NHỮNG BÀI THUỐC NAM CHỮA CẢM MẠO, TRÚNG THỬ
Lương y Nguyễn Công Đức
Nguyên Giảng viên ĐH Y Dược TP. HCM
Bài 1: Lục cúc trà
- Công thức: Đậu xanh 50g, Cúc hoa 15g, Lá Trà 10g.
Đậu xanh
Cúc hoa
Lá trà
- Công dụng: Sơ phong thanh nhiệt giải độc.
- Chủ trị: Cảm do phong nhiệt các chứng còn nhẹ chủ yếu là đau đầu, miệng khô khát, họng đau.v.v.
- Cách dùng:
Mỗi ngày 1 thang, lấy đậu xanh giã nát đổ 4 chén nước thêm Mật ong hoặc đường phèn cho vào nấu chung, nấu còn 2 chén chia ra uống sáng và chiều.
- Cấm kỵ:
Cảm do phong hàn, người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy thì không dùng.
- Giải thích:
Ba vị thuốc trong bài đều có vị ngọt tính mát, Cúc hoa có tác dụng sơ phong, thanh nhiệt, minh mục. Đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân. Lá Trà có tác dụng thanh lợi, sinh tân, chỉ khát, tiêu thực trừ nê trệ, thanh tâm, nhuận phế, điều nhiệt. Các vị thuốc được chọn trong bài đều có tác dụng thanh giải thử nhiệt.
Bài 2: Tang cúc trúc trà
- Công thức: Tang diệp (lá dâu tằm) 15g, Cúc hoa 20g, Trúc diệp (lá tre) 20g.
Lá dâu tằm
Trúc diệp
- Công dụng: Sơ tán phong nhiệt, nhuận phế chỉ khái.
- Chủ trị: Phòng và chữa cảm mạo. Dùng chữa cảm do phong nhiệt với các triệu chứng như đau đầu, mắt khô rít, tiếng ho không thoải mái, hầu họng sưng đau.
- Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang đổ 4 chén nước vào ngâm chung với thuốc một lúc cho ngấm, bắc lên bếp dùng lửa to nấu còn 2 chén, chia ra 2 lần uống.
- Cấm kỵ: Cảm do phong hàn, ho lâu ngày thì không dùng bài này.
- Lời bình: Cúc hoa, Tang diệp đều có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, thanh can minh mục; Lá tre nhuận phế chỉ khái. Cả 3 vị thuốc dùng chung với nhau có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, nhuận phế chỉ khái.
Nếu đau họng gia Cỏ mực 20g; Cầu bón gia Hạt bí đao 20g.
Bài 3: Hương nhu biển đậu trà
- Công thức: Hương nhu (é tía, é trắng) 20g, Biển đậu (Đậu ván trắng) 30g.
Hương nhu tía
Hương nhu trắng
Đậu ván trắng
- Chủ trị: Cảm thử thường xuất hiện các triệu chứng như người uể oải, lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt, miệng khô họng ráo, rêu vàng nhờn, mạch nhu.
- Công hiệu: Thanh thử lợi thấp.
- Cách dùng: Mỗi ngày 1 – 2 thang, trước tiên giã nát Biển đậu, đổ 3 chén nước sạch cùng nấu chung với Hương nhu, sắc còn 1 chén, uống thay nước trà uống từ từ.
- Cấm kỵ:Người vốn có dương hư, tỳ vị hư hàn không nên dùng bài này.
- Giải thích: Hương nhu có tác dụng thanh thử lợi thấp mà phát thanh dương, Biển đậu hóa thấp tiêu thử. 2 vị cùng dùng chung với nhau đã có tác dụng thanh thử mà lại còn lợi thấp, dùng chữa cảm nắng và thử thấp gây tiêu chảy. Bài này thêm ít gạo nấu thành cháo ăn.
Bài 4: Khử thấp trà (hoặc cháo)
- Bài thuốc: Cúc hoa 20g, Lá sen 20g, Ý dĩ nhân 30g, Biển đậu 30g
- Công hiệu: Thanh thử nhiệt, lợi thấp trệ.
Lá sen
Ý dĩ
- Chủ trị: Phòng trúng nắng, cũng dùng chữa các triệu chứng của cảm nắng nhẹ như người mệt mỏi uể oải, miệng khô, lòng ngực bức rứt.
- Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang đổ 6 chén nước thêm 500g bí đao, nấu còn 2 chén uống dần hoặc thêm gạo nấu thành cháo ăn.
- Cấm kỵ: Người vốn có dương hư, tỳ vị hư hàn không nên dùng bài này, phụ nữ có thai thận trọng khi dùng.
- Giải thích: Vào những ngày nóng bức khi cảm phải thử tà thì phần nhiều hay thấy lòng ngực bứt rứt, người mệt mỏi, miệng khô, ăn uống kém. Phép trị nên thanh thử lợi thấp. Trong bài dùng Cúc hoa, lá sen có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi thấp trọc; Ý dĩ nhân, Biển đậu tiêu thử lợi thấp. Các vị cùng dùng chung với nhau, làm cho thấp tà được trừ, thử nhiệt được thanh. Dân gian thường dùng “cháo khử thấp” là dùng bài thuốc trên thêm gạo nấu thành cháo ăn.
Bài 5: Ngân hà giải thử trà
- Bài thuốc: Kim ngân hoa 15g, Bạc hà 10g, Vỏ dưa hấu tươi 50g, Đậu xanh 20g, Lá tre 20g.
Kim ngân hoa
Bạc hà
Vỏ dưa hấu
- Công dụng: Thanh thử tiết nhiệt, giải biểu hóa thấp.
- Chủ trị: Thử nhiệt uất bên trong thì toàn thân nóng, mồ hôi dâm dấp, mặt đỏ, nặng đầu, cơ thể nặng nề, tâm phiền miệng khát, tiểu vàng, mạch nhu sác.
- Cách dùng: Mỗi thang đổ 3 chén nước sắc còn 1 chén, uống ấm. Ngày 2 thang.
- Cấm kỵ: Người vốn có dương hư, tỳ vị hư hàn không nên chọn dùng bài này. Phụ nữ có thai thận trọng khi dùng.
- Giải thích: Đông y cho rằng thử thường có kèm thấp, thử nhiệt bên trong mà thấp uất bên ngoài có thể thấy toàn thân nóng, mồ hôi ra dâm dấp, mặt đỏ đầu nặng, tâm phiền khát nước, tiểu vàng. Chữa nên giải biểu hóa thấp, thanh thử tiết nhiệt. Trong bài Kim ngân hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương tán phong nhiệt, dược lý hiện đại nghiên cứu trên thực nghiệm Kim ngân hoa có tác dụng hạ sốt trên động vật; Bạc hà, Vỏ dưa hấu có tác dụng thanh giải thử nhiệt; Đậu xanh có tácdụng giải biểu hóa thấp, thúc thử tà ra ngoài; Lá tre lợi tiểu thanh nhiệt. Các vị thuốc cùng dùng chung có thể làm cho thử nhiệt theo đường mồ hôi mà giải ra ngoài cơ thể. Cũng có thể làm cho thử thấp theo đường tiểu mà ra ngoài. Đạt hiệu quả thanh thử hóa thấp tiết nhiệt.