NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MUỐN ĐƯỢC ĐÀO TẠO VỀ Y HỌC CỔ TRUYỀN
Thứ Năm, ngày 16/2/2017 - 19:01
(PLO)- Một số người nước ngoài như Đức, Pháp, Mỹ… muốn được Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đào tạo chuyên môn về y học cổ truyền để sau này hành nghề ở nước họ. Do vậy, Viện đề xuất Bộ Y tế xem xét chủ trương trên.
Chiều 16-2, BS Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, đưa ra thông tin trên tại buổi gặp gỡ đoàn công tác của Bộ Y tế.
BS Lộc còn đề xuất Bộ Y tế cho phép Viện Y dược học dân tộc TP.HCM điều trị người nước ngoài để quảng bá lĩnh vực y học cổ truyền, đồng thời tăng thêm nguồn thu.
Bộ trưởng Bộ Y tế đang hỏi thăm một bệnh nhân khám ở Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Hiện các trường và trung tâm cai nghiện của TP.HCM có nhiều quỹ đất và nhân lực. Do vậy, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đề xuất được đầu tư trồng dược liệu tại những điểm nói trên nhằm chủ động nguyên liệu bào chế thuốc và không phụ thuộc nước ngoài” - BS Lộc đề xuất thêm.
BS Lộc còn cho biết Viện Y dược học dân tộc TP.HCM hiện đã bào chế được nhiều loại thuốc y học cổ truyền được bệnh nhân chấp nhận.
PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho rằng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM chủ động liên hệ địa điểm trồng dược liệu và Cục Quản lý Y dược cổ truyền sẽ hỗ trợ những vấn đề liên quan. “Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thổ nhưỡng thích hợp từng loại dược liệu để đạt hiệu quả” - ông Khánh nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế đang xem thành phần có trong thang thuốc Nam. Ảnh: TRẦN NGỌC
Liên quan đến vấn đề đào tạo và chữa bệnh y học cổ truyền cho người nước ngoài, ông Khánh cho biết Bộ Y tế ủng hộ đề xuất trên và sẽ có những hướng dẫn cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng y học cổ truyền tại TP.HCM cần duy trì và phát triển. “Hiện nay nhiều nhà chùa tổ chức khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Do vậy, ngành y tế TP.HCM cần nghiên cứu và đề xuất đưa môn học y học cổ truyền vào nội dung giảng dạy tại các học viện Phật giáo. Sau khi học xong, các cử nhân Phật học có thể áp dụng chữa trị cho bệnh nhân” - bà Tiến nói.
“Viện Y dược học dân tộc TP.HCM bào chế được nhiều loại thuốc y học cổ truyền dùng chữa bệnh là tốt. Tuy nhiên, Viện cần nghiên cứu kết hợp giữa Đông y và Tây y trong điều trị bệnh để đạt hiệu quả và thu hút nhiều bệnh nhân hơn” - bà Tiến đưa ra quan điểm.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã đến thăm lương y Nguyễn Công Đức (quận 2, TP.HCM). Lương y nguyên là giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện là ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và tặng quà Lương y Nguyễn Công Đức
Lương y Nguyễn Công Đức trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề thuốc nam
TRẦN NGỌC