Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức

 Phòng và điều trị loãng xương theo Đông y

 

 

Lương y NGUYỄN CÔNG ĐỨC

Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

 

 

Những ai dễ mắc chứng loãng xương
- Tuổi trên 45-50, nhất là giới nữ .
- Nữ giới tắt kinh lâu ngày hay đã bế kinh.
- Suy dinh dưỡng, uống cà phê quá nhiều…
- Thiếu vận động, nhất là hoạt động ngoài trời, dưới nắng quá ít.
- Người đã có phẫu thuật phụ khoa (Mổ cắt buồng trứng, tử cung…).
- Người sử dụng các hormone lâu ngày.

 

Người bị chấn thương nhẹ cũng bị gãy xương, phần nhiều là do loãng xương gây ra. Trong số người mắc bệnh, nữ giới cao gấp 9 lần so với nam giới. Với nữ giới, các tổ chức xương hấp thu canxi từ máu quyết định bởi oestrogen. Khi giới nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, việc sản sinh oestrogen giảm xuống, tổ chức xương hấp thu canxi bị sụt giảm, không đủ để bổ sung canxi bị mất mát.

  1. Các thể theo Đông y

    1. Thể tỳ khí hư:

    Biểu hiện lâm sàng:
    Có triệu chứng lưng ê đau, hai gối đi yếu sức hay lưng khòm, kém hấp thu, đầy bụng, nhất là sau bữa ăn, đại tiện lỏng, thân thể và tứ chi mỏi mệt, ít hơi lười nói, sắc mặt vàng bủn hay trắng nhạt, mạch hoãn yếu vô lực.
    Bài thuốc:
    Hạt Sen 8g, Ý Dĩ (bo bo) 10g, Sa Nhân 3g (bỏ sau), Kiết Cánh 6g, Bạch biển đậu(đậu ván trắng) 12g, Phục Linh 15g, Nhân Sâm 10g, Bạch Truật 10g, Sơn Dược (củ mài sao vàng) 12g, Trần Bì (vỏ quít) 10g, Cam thảo 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

    2. Thể thận âm hư:

    Biểu hiện lâm sàng:
    Có triệu chứng lưng gối mỏi đau, choáng váng ù tai, mất ngủ mộng nhiều, thân hình gầy ốm, sốt hâm hấp, ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khô má đỏ, đại tiện bón, lưỡi đỏ ít nước bọt, mạch tế sác.
    Bài thuốc:
    Thục Địa 24g, Hoài Sơn 12g, Sơn Thù 12g, Câu Kỷ Tử 12g, Cao Ban Long 12g (sau khi sắc thuốc, rồi lấy nước thuốc nấu chảy), Thỏ Ty Tử 12g, Ngưu Tất 9g, Tri Mẫu 8g, Hoàng Bá 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.

    3. Thể thận dương hư:

    Biểu hiện lâm sàng: Thấy triệu chứng lưng gối yếu mà đau, ớn lạnh, tay chân lạnh, nhất là hai chi dưới, chóng mặt, choáng váng, tinh thần uể oải, sắc mặt trắng nhạt hay sạm, lưỡi bệu rêu trắng, mạch trầm nhược.
    Bài thuốc: Thục Địa 24g, Phụ Tử Chế 12g, Nhục Quế 6g, Hoài Sơn 12g, Thỏ Ty Tử 12g, Cao Ban Long 12g (sau khi sắc thuốc, rồi lấy nước thuốc nấu chảy), Câu Kỷ Tử 12g, Đỗ Trọng (sao cháy) 12g, Sơn Thù 9g, Đương Quy 9g. Sắc uống, ngày 1 thang.

  2. Các bài nghiệm phương

    1. Cao Xương Trăn:

    Cách dùng và liều dùng:
    Dùng 100 gr Cao Xương Trăn thêm vào 100ml mật ong và 100 ml nước, chưng cách thủy cho cao tan ra. Để nguội đựng vào lọ kín dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh. Nếu uống được rượu thì thêm vào 1 lít rượu ngon, khuấy đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (30 ml) trước khi ăn.
    Công dụng: 
    - Giúp bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức khỏe.
    - Hỗ trợ trong điều trị các chứng đau lưng, nhức gân xương mạn tính, đặc biệt là đau cột sống. Dùng mỗi ngày và lâu dài giúp phòng trị loãng xương.
    Lưu ý: Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 10 tuổi không dùng.

    2. Cao Ban Long:

    Cách dùng và liều dùng: Như Cao Xương Trăn.
    Công dụng: 
    - Bồi dưỡng cơ thể tăng cường sức khỏe, bổ thận ích tinh, mạnh gân cốt.
    - Giúp ăn ngon, làm đẹp tươi nhan sắc.
    - Hỗ trợ trong điều trị các chứng thận hư, khí huyết suy kiệt, đau nhức xương khớp. Phòng và trị loãng xương.
    3. Quế Chi 10g, Hoài Sơn 15g, Bổ Cốt Chỉ 15g, Hoàng Kỳ 15g, Thỏ Ty Tử 15g, Nhục Thung Dung 15g, Phụ Tử 10g, Đỗ Trọng 15g. Sắc uống, ngày 1 thang.
    4. Ngũ Vị Tử 10g, Thỏ Ty Tử 15g, Câu Kỷ Tử 15g, Bổ Cốt Chỉ 15g, Mạch Đông 10g, Hoài Sơn 15g, Hoàng Kỳ 15g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia uống 2 lần.
    5. Dâm Dương Hoắc 9g, Hoàng Kỳ 15g, Long Cốt 30g, Tiên Mao 9g, Nhục Thung Dung 12g, Bạch Thược 12g, Hải Mã 1,5g, Cốt Toái Bổ 15g, Ngũ Linh Chi 6g, Đại Hoàng 6g, Cam Thảo 6g. Long Cốt sắc trước, rồi mới cho vào các dược liệu sau. Sắc ngày 1 thang, chia uống vài lần trong ngày.
    6. Đỗ Trọng 12g, Hồ Đào Nhục (quả óc chó) 12g, Bổ Cốt Chỉ 12g, Dâm Dương Hoắc 12g, Thục Địa 12g, Ngưu Tất 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia uống 2 lần.
    7. Nữ Trinh Tử 15g, Thỏ Ty Tử 15g, Câu Kỷ Tử 15g, Hoài Sơn 15g, Bổ Cốt Chỉ 15g, Hoàng Kỳ 15g, Phục Linh 15g, Ngưu Tất 15g. Sắc uống, ngày 1 thang. Các nghiệm phương này dùng liên tục 1 năm

  3. Bài thuốc dùng ngoài
    Phòng Phong, Uy Linh Tiên, Xuyên Ô, Thảo Ô, Tục Đoạfn, Cẩu Tích mỗi thứ 100g, Hồng Hoa 60g, Xuyên Tiêu 60g. Tán bột, mỗi lần dùng bột thuốc 50-100g, trộn với dấm thành dạng sệt chứa trong túi vải, đặt túi vải trên chỗ đau, sau đó đặt tiếp túi nước nóng trên túi vải để đắp nóng trong nửa giờ, ngày 1-2 lần.
  4. Món ăn và bài thuốc
    1. Xương sườn heo 300g, hầm canh, ngày 1 lần.
    2. Đầu cá chép 1 cái, hầm canh, ngày 1 lần.
    3. Xương dê 0,5kg, chặt nhỏ, hầm canh, ngày 1 lần.
    4. Cháo đốt sống dê: Đốt sống dê (cả phần đuôi) 1 bộ, Phục Linh 20g, bột Bổ Cốt Chỉ 12g, gạo tẻ 60g, hành, gừng tươi, muối ăn vừa đủ. Đốt sống dê rửa sạch, chặt nhỏ, cùng với gạo tẻ cho vào trong nồi, thêm nước vừa đủ, nấu cháo chín phân nửa, cho vào Phục Linh và bột Bổ Cốt Chỉ trộn đều, nấu tiếp cho đến cháo chín, nêm hành, gừng thì hoàn tất. Chia ăn ấm vài lần.
    5. Chè sữa dê – trứng gà: Sữa dê tươi 250ml, trứng gà 1 quả, đường đen vừa đủ. Trứng gà đập trong chén khuấy đều, nêm đường, dùng sữa dê nấu sôi trộn với trứng. Có thể dùng ăn sáng.
    6. Gà ác 1 con, bỏ nội tạng, dùng Sinh Địa 120g thái nhỏ và đường cát vàng 60g, nhét vào bụng gà để tiềm cách thủy, ăn thịt gà, uống nước canh.
    7. Lộc nhung 50g, nhau thai 0,5kg, nướng khô tán nhỏ, mỗi buổi sáng uống 3g, với nước ấm.
  5. Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
    - Ăn nhiều thức ăn giàu canxi như sữa bò, trứng gà, đậu nành và chế phẩm đậu, canh xương heo, cá, tôm, nghêu sò… Cải trắng, rau cần, táo đỏ… chứa hàm lượng canxi cũng cao.
    - Ăn sáng không no quá, tráng miệng bằng 2 trái chuối sứ (chuối xiêm) chín.
    - Dùng 2 trái cam sành vắt lấy nước cốt, thêm vào một muỗng cà phê mật ong. Uống vào mỗi buổi sáng.
    - Khoảng 9 giờ sáng. Ăn nửa trái bưởi hoặc vắt lấy nước cốt uống. Dùng bưởi thường xuyên sẽ giúp chắc xương, chắc răng, tăng đề kháng, giảm cholesterol xấu trong cơ thể. Đề phòng loãng xương. Cần lưu ý không nên uống các loại thuốc chống dị ứng và các thuốc điều trị cholesterol cùng lúc với uống nước ép bưởi hay ăn bưởi sau đó, vì các chất trong bưởi sẽ “cạnh tranh” với sự chuyển hóa của các loại thuốc này.
    - Ít ăn các thức ăn nhiều mỡ, vì sẽ ảnh hưởng hấp thu canxi.
    - Tập thể dục, vận động thích hợp như thái cực quyền, dưỡng sinh, khí công… đặc biệt là thể dục dưới nắng, sẽ giúp cơ thể tự sản sinh vitamin D, giúp cho việc hấp thu canxi trong thức ăn, phòng và trì hoãn loãng xương ở người có tuổi.
Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top
0