Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức

  CHỦ ĐỘNG TRONG NUÔI TRỒNG VÀ SỬ DỤNG DƯỢC LIỆU TẠI ĐỊA PHƯƠNG

 

 

Lương y Nguyễn Công Đức

 

Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

 

 

 

Một thầy thuốc Đông y dù có giỏi về y lý, chẩn bệnh chính xác nhưng  khi kê đơn với những dược liệu bị làm giả, kém chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức an toàn, bảo quản bằng hoá chất độc hại, thì kết quả điều trị sẽ không cao.

Từ trước đến nay đông dược được nhập từ Trung Quốc, các thầy thuốc ở Việt Nam với tâm lý thuốc nhập là tốt, đúng vị thuốc theo cổ phương nên một thời gian dài đã lệ thuộc vào đông dược ngoại nhập, ít sử dụng thuốc Nam. Ngay cả các Khoa, Trường khi đào tạo những thầy thuốc Đông y cũng ít dạy thuốc Nam và thiếu hẳn Khoa Thuốc Nam. Sau gần 40 năm lực lượng thầy thuốc Đông y Việt Nam đã quá chủ quan và tin tưởng khi điều trị theo các toa thuốc cổ phương với thuốc ngoại nhập dồi dào.

Tuy nhiên, gần đây khi báo chí đề cập khá nhiều đến chất lượng của thuốc đông y ngoại nhập. ( Báo Thanh niên ngày 13/05/2013 có đăng bài: “Đông dược” hay độc dược? ), các cấp lãnh đạo mới quan tâm đến vấn đề này hơn. Đông dược lẽ ra phục vụ cho sức khoẻ của nhân dân lại có tác dụng ngược lại, trong đó bệnh ung thư được đề cập nhiều nhất. Thực phẩm thì yêu cầu an toàn còn đông dược thì sao? Đàng nào cũng từ miệng mà vào cơ thể?!

Thuốc Nam lâu nay chỉ sử dụng phổ biến trong các chùa Tịnh độ, Tuệ Tĩnh đường, Nhà thờ … với hình thức từ thiện. Bộ y tế, Sở y tế cũng có nhiều văn bản hướng dẫn: “Trồng và sử dụng thuốc Nam trị các bệnh chứng thông thường” tại các cơ sở Xã, Phường nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hết tiềm năng của thuốc Nam. Để chủ động được nguồn dược liệu phục vụ cho điều trị và sản xuất. Sau đây là giải pháp để góp phần giải quyết vấn đề trên.

 

I.  NUÔI TRỒNG:

1. Những cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: Củ mài, Sinh địa, Hoa hòe, hoa Kim ngân, Ba kích, Sa nhân tím, Kỷ tử, Quế… việc đầu tư đất, công chăm sóc sẽ được đền bù xứng đáng khi thu hoạch.

2. Những cây thuốc có giá trị kinh tế kém nhưng giá trị chữa bệnh rất cao như: Ngải cứu, Tía tô, Gừng, Sả, Trinh nữ hoàng cung, Nghệ, cây Chùm ngây v.v… Những loại cây này không cần dành đất đặc biệt để trồng mà có thể tận dụng được những đất trống trong vườn gia đình, trong sân, trong Trạm Y tế xã, vườn Trường học v.v… Các loại dây thì cho leo lên hàng rào, lên giàn, lên cây cổ thụ. Các thứ mọc dưới nước thì thả ở hồ, ao. Như thế chúng ta đã chủ động có một vườn thuốc rộng lớn, chủ động được nguồn dược liệu tại chỗ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.

3. Bao tiêu sản phẩm: Cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, có hợp đồng thu mua với giá hợp lý, chắc chắn nông dân sẽ chuyển đổi cây trồng. Chúng ta sẽ không thiếu dược liệu để sử dụng.

II. KỸ THUẬT NUÔI TRỒNG:

Phải chọn đất phù hợp với từng loại dược liệu. Thí dụ: Lá lốt, Sài đất, Bạc hà phải trồng nơi ẩm ướt, phải nhổ cỏ, chăm sóc, thu hoạch đúng thời vụ. Nếu không kể đến thổ nghi, tập trung nhiều cây thuốc chung một nơi, nhiều cây không sống được, không phát triển, cây bị chết.

Ngoài nguồn dược liệu nuôi trồng chúng ta còn có một tủ thuốc xanh tại địa phương nếu chúng ta bảo vệ tốt thì chỉ tốn công thu hái cũng có đủ thuốc để dùng:

- Vườn thuốc của Trạm y tế phải bao gồm toàn bộ khoảng đất của Trạm, cây nào hợp chỗ nào thì trồng và để nguyên chỗ ấy, chúng ta đở tốn công chăm sóc mà cây lại phát triển tự nhiên. Một đám Lá lốt trong vườn Xoài, vườn Nhãn hãy để nó phát triển tốt. Cỏ mực, Mắc cỡ, Rau mương… theo bờ ruộng. Khiếm thực, Sen, Dừa nước … đã có sẵn ở ao, hồ. Bìm bìm, dây Tơ hồng theo hàng rào… Công việc của chúng ta là bảo vệ, thu hái, tái sinh.

- Trong nhà dân đã có sẵn rau ăn làm thuốc, cây thuốc làm thuốc (Mã đề, Kinh giới, Tía tô, Rau má, Dấp cá, Sả, Gừng, Nghệ …) cây cảnh làm thuốc (Đinh lăng, hoa Lài, hoa Cúc …), cây ăn quả làm thuốc (Cam, Chanh, Bưởi, Ổi…) chúng ta đặt hàng ký gởi và thu mua với giá thỏa thuận.

- Hợp đồng thu mua của nông dân nuôi trồng những dược liệu theo yêu cầu của thầy thuốc.

III. THU HÁI, TÁI SINH, SƠ CHẾ:

1. Thu hái: Mỗi loại cây thuốc có cách thu hái từng bộ phận dùng, đúng thời vụ, đúng kỹ thuật, phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Ví dụ: Cành dâu, Lá dâu, Củ gấu, Củ sen, Lá sen, Rau má, Dấp cá, Hoa hòe, hoa Kim ngân… đều có cách thu hái, sơ chế, bảo quản riêng.

2. Tái sinh: Đây là khâu quan trọng để chúng ta luôn có nguồn dược liệu sử dụng, phải để dành, bảo tồn giống, không tận thu. Trái Đười ươi phải 10 năm sau mới có lại vì người ta đốn cả cây để hái trái, cây Xá xị (Ô dước) làm sao còn khi người ta đào cả gốc và nấu lấy tinh dầu giữa rừng. Người dân tộc Raglai mỗi khi đào củ mài (Hoài sơn)  không bao giờ họ quên lấp đất trở lại và trồng ngay phần đầu ở đó để năm sau họ lại có khoai mài.

3. Sơ chế: Nếu không bảo quản tốt thuốc sẽ bị mốc, sơ chế không đúng kỹ thuật dược liệu bị hư, mất chất lượng.

a. Đối với dược liệu là lá (cỏ Mực, Mần chầu, Rau má, Dấp cá…). Sau khi hái, loại bỏ tạp chất, bỏ rễ, rửa sạch chặt ngắn 3 phân, loại lá nào đã ngắn, nhỏ thì không chặt. Chần qua nước sôi 1 phút, để ráo, phơi khô, bỏ vào bao nylon buộc chặt. Bảo quản được một năm.

b. Đối với dược liệu là củ (củ Sen, Súng, Gừng, Nghệ, Mớp gai…) sau khi đào lên, rửa sạch, thái nhỏ chần qua nước sôi 5 phút, phơi mau khô, để vào bao nylon buộc chặt bảo quản được lâu.

Như vậy với những gợi ý trên chúng ta đã chủ động được nguồn dược liệu. Sau đây là những cây thuốc Nam cần nuôi trồng, bảo vệ, thu hái, tái sinh và được xếp theo các nhóm bệnh được sử dụng theo vùng, theo mùa. Vì những cây thuốc, vị thuốc có cùng tác dụng nên chúng ta chỉ cần 3 – 5 vị thuốc trong cùng nhóm với liều lượng tươi mỗi vị 50g và khô 20g được phối ngũ thành bài thuốc, gia giảm thêm các vị khác theo đối chứng lập phương cho phù hợp với các thể bệnh chứng đang điều trị. Dĩ nhiên, tuỳ theo địa phương, nếu không đủ các cây thuốc như đã giới thiệu, có thể dùng các cây thuốc có tác dụng tương đương để thay thế cho nhau trong điều trị.

Trong tương lai các cơ sở sản xuất thuốc YHCT vừa và nhỏ sẽ không đủ tiêu chuẩn để hoạt động. Muốn sản xuất thuốc phải đạt chuẩn GMP-WHO và nguồn dược liệu phải đạt các tiêu chuẩn: Thực hành tốt trồng cây thuốc (GAP) và Thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã (GCP) với mỗi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có nhiều tiêu chuẩn riêng cho từng loại cây thuốc cụ thể.

Thế nên, việc chủ động nuôi trồng và sử dụng nguồn dược liệu tại địa phương là bước đầu để chuẩn bị hội nhập kinh tế khu vực và trên thế giới. Dược liệu và thuốc đông dược của Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức từ các xí nghiệp Dược của nước ngoài. Để phát triển vững bền, giữ được thương hiệu và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài ở thị trường trong và ngoài nước. Chúng ta càng phải chú ý đến quá trình trồng trọt, thu hái nguyên liệu làm thuốc đạt tiêu chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices”, nghĩa là “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái”). Đây là một mục tiêu lớn và dài hạn, cần có sự tham gia và thực hiện một cách quyết liệt của các ngành chức năng theo Quyết định 2166/ QĐ-TTg  ngày 30/11/2010  Về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển Y, Dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NUÔI TRỒNG DƯỢC LIỆU TẠI NINH THUẬN

(Do LY. Nguyễn Công Đức triển khai)

 

Chuẩn bị đất

 

 

 

Xuống giống

 

 

 

Cây Trinh nữ hoàng cung 1 năm tuổi. (Tên khoa học: Crinum latifolium L)

 

 

Cây Trinh nữ hoàng cung 2 năm tuổi. (Tên khoa học: Crinum latifolium L)

 

 

Cây Trinh nữ hoàng cung 2 năm tuổi. (Tên khoa học: Crinum latifolium L)

 

 

Cây Mía dò (Cát lồi). Tên khoa học: Costus speciosus

 

 

Cây Chè vằng. Tên khoa học: Jasminum subtriplinerve Blume

 

 

 

 

DANH MỤC CÂY THUỐC NAM

(THEO VÙNG – THEO MÙA)

 

Dược liệu

Tên Khoa học

1.       BẠC HÀ Mentha arvensis L.
2.       BỐ CHÍNH SÂM Abelmoschus sagittifolius K.
3.       CAM THẢO ĐẤT Scoparia dulcis L
4.       CÂY CỐI XAY Abutilon indicum L
5.       CÂY GAI (làm bánh) Boehmeria nivea
6.       CỎ MẦN CHẦU Eleusine indica L
7.       CỎ MỰC Eclipta prostrata L
8.       CỎ SỮA (Lá lớn, lá nhỏ) Euphoria hirta L; Euphorbia thymifolia 
9.       CỎ TRANH Imperata cylindrica L.
10.     CÚC TẦN Pluchea indica
11.     CHANH Citrus Limonia Osbeck
12.     DÂU Morus alba
13.     ĐINH LĂNG Polyscias fruticosa L.
14.     ĐƠN TÍA Excoecaria cochinchinensis Lour.
15.     ĐẠI (Sứ cùi) Plumeria rubra L
16.     ĐU ĐỦ Carica papaya
17.     GỪNG Zingiber officinale
18.     HOẮC HƯƠNG Pogostemon cablin Benth
19.     HƯƠNG NHU Ocimum sanxctum L
20.     HÚNG CHANH Plectranthus amboinicus Spreng
21.     HƯƠNG PHỤ Cyperus rotundus L.
22.     ÍCH MẪU Leonurus heterophyllus Sweet
23.     KÉ ĐẦU NGỰA Xanthium inaequilaterum DC
24.     KINH GIỚI Elsholtzia ciliata Thunb.
25.     KIM NGÂN Lonicerae Japonica
26.     KIM THẤT TAI Gynura auriculata Cass
27.     LÔ HỘI Aloe vera L.
28.     LẠC TIÊN Passiflora foetida
29.     LÁ LỐT Piper lolot
30.     MẮC CỠ Mimosa pudica L
31.     MÃ ĐỀ Plantago major
32.     MẦN TƯỚI (Trạch lan) Eupatorium fortunei Turez
33.     MƠ TAM THỂ Paederia lanuginosa Wall
34.     NHÀU Morinda citrifolia L.
35.     NGÔ (bắp) Zea mays L.
36.     NGẢI CỨU Artemisia vulgaris
37.     NGHỆ VÀNG Curcuma longa
38.     NGHỆ ĐEN Curcuma Zedoaria Rosc
39.     NGƯU TẤT (CỎ XƯỚC) Achyranthes aspera L.
40.     ỔI Psidium guajava
41.     PHÈN ĐEN (Phyllanthus reticulatus Poir)
42.     QUÍT Citrus reticulata
43.     RAU MÁ Centella asiatica)
44.     RAU NGÓT Sauropus androgynus
45.     RAU SAM Portulaca oleracea
46.     RÂU MÈO Orthosiphon aristatus
47.     SẢ Cymbopogon citratus
48.     SÀI ĐẤT Wedelia chinensis Merr.
49.     SÒ LẺ BẠN Tradescantia discolor
50.     SÂM ĐẠI HÀNH Eleutherine bulbosa Urb
51.     SA KÊ Artocarpus altilis
52.     TÍA TÔ Perilla ocymoides
53.     TRINH NỮ HOÀNG CUNG Crinum latifolium L.
54.     TRẮC BÁ Platycladus orientalis L.
55.     THẢO QUYẾT MINH Cassiae torae
56.     VÔNG NEM Erythrina variegata L.
57.     XẠ CAN Belamcanda sinensis L.
58.     XUÂN HOA (HOÀN NGỌC) Pseuderantherum  palatiferum Radlk
59.     XUYÊN TÂM LIÊN Andrographis paniculata
60.     Ý DĨ Coix lachryma jobi L.

 

 

DANH MỤC CÁC CÂY THUỐC NAM

 PHÂN THEO NHÓM BỆNH

 

I. NHÓM THUỐC CHỮA CẢM SỐT:

  II. NHÓM THUỐC CHỮA ĐAU NHỨC CƠ XƯƠNG KHỚP:
1. BẠC HÀ 1. KÉ ĐẦU NGỰA
2. CAM THẢO ĐẤT 2. LÁ LỐT
3. CỎ MẦN CHẦU 3. MẮC CỠ
4. CỐI XAY 4. NHÀU
5. CÚC TẦN 5. NGẢI CỨU
6. GỪNG 6. NGƯU TẤT
7. HƯƠNG NHU 7. SÀI ĐẤT
8. KINH GIỚI 8. SA KÊ (LÁ)
9. TÍA TÔ 9. Ý DĨ
10. SẢ 10. HY THIÊM
   
III. NHÓM THUỐC CHỮA MỤN NHỌT:   IV. NHÓM THUỐC CHỮA HO:
1. CỎ MỰC   1. BẠC HÀ
2. CÚC TẦN   2. CỎ SỮA (LÁ NHỎ)
3. ĐƠN TÍA   3. CHANH
4. ĐU ĐỦ   4. DÂU
5. KÉ ĐẦU NGỰA   5. GỪNG
6. KIM NGÂN   6. HÚNG CHANH
7. PHÈN ĐEN   7. NGHỆ VÀNG
8. SÀI ĐẤT   8. QUÍT
9. RAU NGÓT   9. SÒ LẺ BẠN
10. RAU SAM   10. SÂM ĐẠI HÀNH
11. SÂM ĐẠI HÀNH   11. XẠ CAN
     
V. NHÓM THUỐC CHỮA LỴ, TIÊU CHẢY:   VI. NHÓM THUỐC CHỮA BỆNH PHỤ NỮ:
1. CỎ MỰC   1. CÂY GAI
2. CỎ SỮA (LÁ LỚN)   2. CỎ MỰC
3. HOẮC HƯƠNG   3. ĐINH LĂNG
4. MƠ TAM THỂ   4. HƯƠNG PHỤ
5. ỔI hay Vỏ MĂNG CỤT   5. ÍCH MẪU
6. PHÈN ĐEN   6. NGẢI CỨU
7. RAU MÁ   7. NGHỆ ĐEN
8. RAU SAM   8. RAU NGÓT
9. SÂM ĐẠI HÀNH   9. TRINH NỮ HOÀNG CUNG
10. XUYÊN TÂM LIÊN   10. TRẮC BÁ
11. XUÂN HOA( HOÀN NGỌC)   11. MẦN TƯỚI
         
VII. NHÓM THUỐC LỢI TIỂU:   VIII. NHÓM THUỐC AN THẦN – BỔ:
1. CÂY CỐI XAY   1. BỐ CHÍNH SÂM
2. CỎ TRANH   2. ĐẠI (HOA)
3. KIM THẤT TAI   3. ĐINH LĂNG
4. MÃ ĐỀ   4. LÔ HỘI
5. NGƯU TẤT   5. LẠC TIÊN
6. SÀI ĐẤT   6. MẮC CỠ
7. RÂU MÈO   7. SÂM ĐẠI HÀNH
8. SÒ LẺ BẠN   8. THẢO QUYẾT MINH
9. XUÂN HOA (HOÀN NGỌC)   9. VÔNG NEM
10. Ý DĨ   10. SEN
         
Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top
0