Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức

 

- ĐA CỐT THƯ 多骨疽

Tức Phụ cốt thư.

- ĐA HÃN 多汗

Hiện tượng mồ hôi ra quá nhiều. Nhưng không phải do khí hậu nóng bức, do vận động mệt nhọc, hoặc do dùng các thuốc gây đổ mồ hôi.

- ĐA MỊ 多寐

Nghĩa là hay nằm. Ngủ nhiều. Tức Thị ngọa.

- ĐA MỘNG 多梦

Ngủ không sâu nhưng thấy chiêm bao. Nguyên nhân do tình chí uất kết, Can dương thiên cang hoặc khí huyết hao kém, tâm thần bất an gây ra. Thường gặp ở người suy nhược thần kinh.

- ĐA VONG 多忘

Tức chứng Kiện vong. Hay quên.

- ĐẮC KHÍ 得气

Sau khi châm kim qua da, thầy thuốc dùng thủ thuật vê kim để tìm cảm giác tê, nặng, buốt, hoặc đầu kim bị vít chặt. Đây gọi là cảm giác đắc khí. Hiệu quả đắc khí này tùy theo mức độ và thời gian đắc khí dài hay ngắn đều có quan hệ mật thiết với hiệu quả điều trị.

ĐẮC THẦN 得神

Chức năng hoạt động thịnh vượng của sự sống, biểu hiện là thần chí thanh tịnh, các chức năng của tạng phủ trong cơ thể hoạt động bình thường.

- ĐÀI CẤU 苔垢

Hiện tượng rêu lưỡi dơ, dấu hiệu phản ảnh bệnh lý ở Tỳ Vị. Nguyên nhân thường là do tiêu hóa không tốt và thấp trọc đình trệ ở bên trong.

- ĐẠI CHÂM 大针

Một trong chín loại kim châm cổ đại. Thân kim hơi khô, mũi kim tròn. Sử dụng để điều trị các bệnh phù thũng hoặc trưng hà ở trong bụng.

- ĐẠI CHỈ 代指

Khóe móng tay bị sưng hóa mủ. Do ngoại thương gây ra.

- ĐẠI CHỦ 大主

Tinh thần.

- ĐẠI CỐC大谷

Tức Khê cốc.

- ĐẠI CỐT KHÔ CẢO 大骨枯槁

(Đại cốt: Khớp xương chân tay chống đỡ khung xương toàn thân; Khô cảo: Khô khan hao kiệt)

Giai đoạn cuối của bệnh dẫn đến cơ nhục teo tóp chỉ còn da bọc xương. Hoặc là do khí huyết suy kém, cốt tủy không đầy đủ, khớp xương thiếu dinh dưỡng trở nên khô khan không đủ sức chống đỡ khung xương. Đây là tình huống diễn biến bệnh rất xấu.

- ĐẠI ĐẦU ÔN 大头瘟

Một loại ôn độc do cảm nhiễm phong ôn thời độc tà khí xâm phạm Phế Vị mà phát bệnh. Triệu chứng điển hình: mặt sưng đỏ hoặc họng sưng đau. Nặng thì thấy tai điếc, cấm khẩu, hôn mê nói sảng… Đại đầu phong, Đại đầu thương hàn.

Còn một loại nữa chủ chứng là cổ gáy sưng to lan tỏa lên đầu và mặt giống như hàm ếch, có tên riêng là Hà mô ôn.

- ĐẠI ĐẦU PHONG 大头风

Tức Đại đầu ôn.

- ĐẠI ĐÔ HUYỆT 大都穴

Một trong Bát tà huyệt.

- ĐẠI ĐỘC, THƯỜNG ĐỘC, TIỂU ĐỘC, VÔ ĐỘC 大毒,常毒,小毒,无毒

Bốn mức độ độc của dược liệu.

Đại độc: Dược tính độc cực mạnh; Thường độc: Dược tính độc nhưng không mạnh bằng đại độc;

Tiểu độc: Dược tính hơi độc;

Vô độc: Dược tính bình thường, không độc.

- ĐẠI HÀ TIẾT 大瘕节

Tức Ngũ tiết.

- ĐẠI HÃN 大汗

Hiện tượng ra mồ hôi quá nhiều. Có thể do nhiệt thịnh làm cho ra mồ hôi, hoặc do làm ra mồ hôi nhiều quá, hoặc khí hư sau khi ốm khỏi, nguyên khí muốn thoát. Mồ hôi là tân dịch biến hóa ra. Mồ hôi ra nhiều thì tân dịch tổn thương, nặng thì “vong âm”. Mồ hôi là chất dịch của tạng Tâm, ra nhiều mồ hôi cũng có thể dẫn đến “vong dương”.

- ĐÀI HOẠT 苔滑

Chỉ rêu lưỡi ướt mà sáng, tùy theo sự biểu hiện của bệnh lý mà phản ánh ra ở rêu lưỡi dày hay mỏng. Như rêu lưỡi trắng mỏng mà trơn là do bên trong có hàn thấp.

- ĐẠI KẾT HUNG 大结胸

‘Đại hãm hung thang’ chứng (Thương hàn luận). Vì biểu chứng ở Thái dương chưa lui hết, mà đã sai lầm dùng phép hạ, xuất hiện triệu chứng bụng dưới cứng mà đau, đến nỗi tay không sờ mó vào được.

- ĐẠI KINH 大经

➊ Kinh mạch lớn. ➋ Đường kinh mạch của bản kinh.

- ĐẠI KHÁT DẪN ẨM 大渴引饮

Hiện tượng miệng khô khát uống nhiều nước. Thường gặp ở trong chứng thực nhiệt.

- ĐẠI KHÍ 大气

➊ Không khí trong khí quyển. ➋ Khí hô hấp ở trong ngực.

- ĐẠI LẠC 大络

Còn gọi là Kinh toại. Những lạc mạch lớn ở toàn thân, trong đó bao gồm mười bốn kinh đều có đại lạc, thêm vào một đại lạc của tạng Tỳ, vì vậy gọi là mười lăm đại lạc. Tức Thập ngũ lạc

- ĐẠI MA PHONG 大麻风

Chỉ Lệ phong.

- ĐẠI MẠCH 代脉

Còn gọi là Đợi mạch. Một loại mạch tượng (Đại 代: Thay), mạch đến yếu, chậm và nhịp ngắt quãng, thời gian ngắt quãng lâu. Đại mạch chủ về tạng khí suy vi, thường gặp trong các bệnh tim như thấp tim, bệnh về tim mạch. Khi sợ hãi, vấp ngã nguy hiểm hoặc đôi khi phụ nữ có thai cũng có khả năng xuất hiện Đại mạch.

- ĐẠI MẠCH 大脉

Một loại đại mạch khác (Đại大: To, lớn), mạch đến to mà đầy ngón tay, sóng mạch và nhịp mạch mạnh hơn so với mạch bình thường gấp bội. Mạch đại có lực là thực chứng tà nhiệt; Đại mà vô lực, phần nhiều do hư tổn, khí không được gìn giữ ở trong.

- ĐẠI NỤC 大衄

Chứng đổ máu mũi ồ ạt. Miệng mũi trào máu, nặng thì mắt, tai, miệng mũi, đại tiểu tiện cùng ra máu. Nguyên nhân do huyết nhiệt đi càn, cũng có khi do khí hư không nhiếp được huyết gây nên.

- ĐÀI NHUẬN 苔润

Chỉ hiện tượng rêu lưỡi nhuận ướt. Lưỡi nhuận ướt rêu trắng mỏng là bình thường. Nếu lưỡi nhuận ướt mà dày là dấu hiệu bệnh lý. Nguyên nhân do thấp tà quá thịnh.

- ĐẠI NHỤC 大肉

Thớ thịt ở bắp tay, bắp đùi.

- ĐẠI NHỤC HÃM HẠ 大肉陷下

Đại nhục: Vóc người to lớn, bắp thịt nổi cuồn cuộn; Hãm hạ: Do gầy mòn mà sút kém. Loại tật bệnh làm làm cho cơ thể tiêu hao gầy mòn, thuộc loại bệnh xấu khó phục hồi.

- ĐẠI PHẬN 大分

Tức Nhục phận.

- ĐẠI PHONG KHA ĐỘC 大风苛毒

Đại phong: Phong tà mãnh liệt; Kha độc: Độc khí nghiêm trọng. Loại bệnh tà hung tợn và rất độc.

- ĐẠI PHU 大夫

Chức danh quan lại thời phong kiến. Viện trưởng Thái y viện trước đời nhà Thanh, Trung quốc. Tương đương với học vị Đại phu. Hiện nay Đại phu tương đương với học vị bác sĩ (Trung quốc vẫn sử dụng học vị đại phu thay cho học vị bác sĩ y khoa).

- ĐẠI PHÚC 大腹

Bụng trên.

- ĐẠI PHƯƠNG 大方

Phương thuốc để điều trị loại tà khí cường thịnh, tật bệnh có kiêm chứng. Đại phương có năm ý nghĩa: Sức thuốc mạnh, số vị thuốc nhiều, lượng vị thuốc nhiều, chỉ uống một lần đã hết nước thuốc dù là lượng lớn, có khả năng chữa bệnh nặng ở khu vực hạ tiêu. Sử dụng đại phương giống như dùng ‘Đại thừa khí thang’ trong phép hạ.

- ĐẠI PHƯƠNG MẠCH 大方脉

Một phân khoa trong Đông y học cổ đại, chuyên trị các tật bệnh cho lứa tuổi thành niên (tương đương với nội khoa ngày nay).

- ĐẠI QUYẾT 大厥

Một trong các chứng ‘Trúng phong’, chỉ chứng trúng phong ngã lăn, hôn mê bất tỉnh, khác với chứng quyết sau khi hôn mê ngã lăn không bao lâu, bệnh nhân tỉnh táo rất nhanh.

- ĐẠI SẢN 大产

Hiện tượng người phụ nữ có thai bước vào giai đoan sinh nở.

- ĐẠI TẢ 大泻

Một phép tả trong thủ pháp châm cứu. Sau khi châm kim vào huyệt, một tay ấn chặt vùng bì phu tiến châm, một tay đảo kim trước sau, phải trái khiến cho lỗ châm nới rộng, nhằm mục đích làm cho tà khí tiết ra ngoài.

- ĐẠI TẢ THÍCH 大泻刺

Một trong chín phép châm, dùng mũi nhọn sắc của kim để chích vỡ nhọt, nặn bỏ mủ, máu.

- ĐẠI TIỆN BẤT THÔNG 大便不通

Tức Tiện bí.

- ĐẠI TIỆN CAN KẾT 大便干结

Hiện tượng táo bón đi cầu khó, phân có hòn cục, chứng này khác với tiện bí là không đi cầu được. Nguyên nhân là do thấp nhiệt kết ở Đại trường, nhiệt tà nhập lý, tân dịch trong Đại trường bị tổn thương hoặc do Phế Tỳ khí hư, lực truyền tống ở Đại trường kém, hoặc do âm huyết hao tổn, không nuôi dưỡng Đại trường gây ra bệnh này.

- ĐẠI TIỆN KHỔN NAN 大便困难

Tức Tiện bí.

- ĐẠI TIẾT 大节

➊ Khớp xương lớn trong cơ thể. ➋ Đốt xương liền với xương bàn tay, xương bàn chân.

- ĐẠI THOÁI THƯ 大腿疽

Tức Cổ hĩnh thư.

- ĐẠI THOÁI UNG大腿痈

Mụn nhọt mọc ở đùi.

- ĐẠI THỰC NHƯ NUY TRẠNG 大实如嬴状

Tức Chân thực giả hư.

- ĐẠI TRƯỜNG 大肠

Một trong lục phủ, cũng gọi là Hồi trường (bao gồm Trực trường và Giang môn). Trên nối với Tiểu trường dưới nối với Giang môn (Hậu môn). Công năng chủ yếu của Đại trường là tiếp thụ cặn bã sau khi được Tiểu trường gạn lọc tống xuống để bài tiết ra ngoài qua đường Giang môn (Hậu môn)

- ĐẠI TRƯỜNG CHỦ TRUYỀN ĐẠO 大肠主传导

Một trong những công năng chủ yếu của Đại trường. Đem những cặn bã sau khi được tiêu hóa gạn lọc ra ngoài qua hậu môn (giang môn).

 

 

- ĐẠI TRƯỜNG DỊCH KHUY 大肠液亏

Bệnh biến do chất tân dịch ở Đại trường bất túc gây nên, có liên quan tới bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch hoặc âm huyết bất túc. Chứng trạng chủ yếu là táo bón, đại tiện khó, kèm theo gầy mòn, da khô ráo, mạch tế. Loại này thường gặp ở người già bị táo bón do thói quen.

- ĐẠI TRƯỜNG HÀN KẾT 大肠寒结

Chỉ chứng bệnh do hàn tà kết ở Đại trường. Biểu hiện là táo bón, bụng đau lâm râm, miệng nhạt, lưỡi trắng ít rêu, mạch trầm huyền.

- ĐẠI TRƯỜNG HƯ HÀN 肠虚寒

Bệnh lý do Đại trường bị hư hàn dẫn đến mất chứng năng, phần nhiều có liên quan tới Thận hư hàn. Chứng trạng chủ yếu là ỉa lỏng, mạch trầm tế. Thường gặp ở bệnh viêm ruột mạn tính, lỵ hàn tính.

- ĐẠI TRƯỜNG HƯ 大肠虚

Đại trường khí hư, thường kèm có chứng Tỳ hư, thoát giang, ỉa chảy kéo dài, bài tiết ra đồ ăn không tiêu, màu phân nhạt, sôi bụng. Nếu do ỉa chảy kéo dài, trên lâm sàng còn thấy thêm cả hiện tượng hư hàn.

- ĐẠI TRƯỜNG KHÁI 大肠咳

Hiện tượng khi ho đồng thời đánh địt (trung tiện).

- ĐẠI TRƯỜNG NHIỆT KẾT 大肠热结

Do nhiệt kết ở Đại trường. Thường thấy chứng táo bón, bụng đau cự án, lưỡi vàng rêu khô, mạch trầm thực có lực. Phần nhiều gặp ở bệnh ngoại cảm nhiệt bệnh ở phần khí.

- ĐẠI TRƯỜNG THẤP NHIỆT 大肠湿热

Do thấp nhiệt nung nấu ở Đại trường. Thường thấy các chứng hạ lỵ ra máu mủ, bụng đau quặn, lý cấp hậu trọng, tiểu tiện sẻn đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác. Thường gặp ở bệnh lỵ Amip hoặc viêm ruột cấp tính.

- ĐẠI TRƯỜNG UNG 大肠痈

Gọi tắt là Trường ung.

- ĐẠI TÝ 大眦

Đầu con mắt. Xem chi tiết ở mục Nội tý.

- ĐẠI TÝ LẬU大眦漏

Còn gọi là Tý lậu. Ghèn đặc chảy tràn ra đầy khóe mắt. Nguyên nhân phần lớn do Tâm hỏa nội thịnh, hoặc phong nhiệt đình tụ, xông bốc lên mắt mà phát bệnh (tương đương với viêm tuyến lệ của YHHĐ).

- ĐẠI Y 大医

Cách tôn xưng các thầy thuốc có phẩm chất đạo đức cao, kỹ thuật chuyên môn nổi tiếng. Ở Việt Nam có Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

- ĐÀM 痰

Sản vật biến hóa bệnh lý ở tạng phủ. Bao gồm chất phân tiết ở đường hô hấp. Đàm hình thành phần nhiều là có liên quan đến sự rối loạn của hai tạng Phế và Tỳ. Do hỏa nhiệt nung nấu tân dịch mà thành đờm. Đờm cũng có thể là một trong các nguyên nhân gây ra bệnh như: Ho suyễn, Huyễn vựng, Hung tý, Điên giản, Kinh quý, Hôn quyết, Tràng nhạc, Xương khớp, Kết hạch.

- ĐÀM ẨM 痰饮

❶ Chất dịch đình trệ trong cơ thể, thấm vào gây đau cục bộ. Nguyên nhân thường có liên quan đến sự rối loạn của Phế, Tỳ, Thận.

❷ Loại bệnh phát sinh do ẩm tà lưu lại trong Trường Vị, triệu chứng: ăn uống giảm thiểu, người gầy ốm, ruột sôi, tiêu lỏng, hoặc kèm có hụt hơi, tim đập nhanh, nôn ra nhớt dãi.

 

- ĐÀM ÁCH 痰呃

Chứng nấc cục do đàm trọc ngưng trở. Thường thấy tức ngực, hô hấp khó khăn, trong tiếng nấc có tiếng đàm.

- ĐÀM ẨM ẨU THỔ 痰饮呕吐

Tức chứng Đàm ẩu.

- ĐÀM ẨM HIẾP THỐNG 痰饮胁痛

Tức chứng Đình ẩm hiếp thống.

- ĐÀM ẨM HUYỄN  VỰNG 痰饮眩晕

Chóng mặt hoa mắt do đàm trọc trệ đọng lại ở bên trong, xông lên vít lấp thanh khiếu. Thường thấy chóng mặt, hoa mắt, đầu nặng, tức ngực nôn ói, đàm nhiều hơi thở gấp.

- ĐÀM ẨM KHÁI THẤU 痰饮咳嗽

Chứng ho do đàm ẩm gây ra. Thường thấy ho nhiều đàm, sắc trắng như nhớt dãi.

- ĐÀM ẨM QUẢN THỐNG 痰饮胃脘痛

Đau vùng thượng vị do đàm ẩm tích trệ ở trung tiêu. Nguyên nhân do Tỳ không được kiện vận, thủy thấp ngưng tụ, chuyển thành đàm ẩm. Triệu chứng: đau vùng dạ dày, ăn ít, lợm giọng, phiền muộn, nôn ra nhớt dãi, mạch huyền hoạt, hoặc kèm có chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, hồi hộp, sôi bụng.

- ĐÀM ẨU 痰呕

Nôn ói ra đàm, kèm có lợm giọng, sôi ruột, hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt, hoa mắt, rêu lưỡi dày nhớt. Nguyên nhân do đàm thấp lưu trệ ở trung quản gây ra.

- ĐÀM BAO 痰包

Còn được gọi là Thiệt hạ đàm bao, tức dưới lưỡi nổi nhọt, do đàm hỏa hỗ kết, lưu lại ở dưới lưỡi mà thành. Thường thấy kết sưng như bao hoa, sáng bóng mà mềm, màu vàng, không đau, trướng đau đầy dưới lưỡi, gây trở ngại việc ăn uống, nói năng, sau khi vỡ chảy nước trong như tròng trắng trứng.

- ĐÀM BẾ 痰闭

Tức chứng Đàm trọc nội bế.

- ĐÀM BÍ 痰秘

Hiện tượng do đàm thấp gây bế tắc ở Trường Vị. Thường thấy đại tiện bí kết, ngực sườn đầy tức, suyễn đầy, chóng mặt, xây xẩm, đầu nhiều mồ hôi…

 

- ĐÀM BĨ 痰痞

Chứng Bĩ (hòn khối) phát sinh do đàm khí ngưng kết. Nguyên nhân do thủy ẩm, đàm dãi ngưng tụ lại  thành đàm. Hoặc do khí đạo ủng trệ gây ra. Triệu chứng: trong ngực bụng có hòn khối đầy tức gây đau, lan sang hông sườn, nôn ói, vùng bụng trên có cảm giác lạnh hoặc kèm có phát sốt, tay chân tê dại.

- ĐÀM ĐA MẠT 痰多沫

Khạc ra đàm dãi. Do Tỳ Thận dương hư, thủy thấp không hóa mà gây ra. Thường hay gặp ở người lớn tuổi.

- ĐÀM HẠCH 痰核

Do Tỳ hư không kiện vận thủy thấp mà phát sinh hạch mọc dưới da, lớn nhỏ không đều, nhiều ít khác nhau, không đỏ không nóng, không cứng không đau, ấn vào thì thấy di động. Phần lớn hay mọc ở vùng cổ gáy, dưới hàm, tay chân và lưng. Nếu đàm hạch mọc ở phần trên thân thể thường kèm do phong nhiệt, nếu mọc ở phần dưới cơ thể thường kèm do thấp nhiệt.

- ĐÀM HÁO 痰哮

Chứng hen suyễn do đàm hỏa uất bên trong, phong hàn bó bên ngoài gây ra. Triệu chứng: hơi thở gấp, hen suyễn, trong cổ họng có tiếng đàm khò khè như tiếng kéo cưa.

- ĐÀM HỎA CHINH XUNG 痰火怔忡

Chứng tim đập nhanh, hồi hộp, do đàm hỏa nhiễu động. Xem Chinh xung.

- ĐÀM HỎA ĐẦU THỐNG 痰火头痛

Đau đầu do đàm hỏa thượng nghịch. Triệu chứng: đau một bên đầu hoặc cả đầu, ngực bụng đầy tức, lợm giọng, nôn ra đàm dãi, tâm phiền hay nổi giận, đỏ mặt, tía tai, miệng khát, táo bón, rêu lưỡi vàng dày, mạch hồng hoạt sác.

- ĐÀM HỎA HUYỄN VỰNG 痰火眩晕

Chóng mặt, hoa mắt do đàm trọc hiệp hỏa, vít lấp thanh khiếu gây ra. Triệu chứng: chóng mặt, hoa mắt, đầu mắt trướng đau, tâm phiền, miệng khát, nôn ra nhớt dãi, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền hoạt.

- ĐÀM HỎA NHĨ MINH 痰火耳鸣

Tai ù do đàm hỏa nhiễu lên trên.

- ĐÀM HỎA NHIỄU TÂM 痰火扰心

Bệnh lý do đàm trọc và hỏa tà hợp lại mà thành. Thường thấy tâm phiền, miệng khát, mất ngủ, tinh thần thất thường, cuồng táo, nói sảng, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền hoạt.

- ĐÀM HỎA THẤT 痰火痓

Co giật do đàm hỏa ủng thịnh gây ra. Chứng thấy người nóng, tay chân co giật, ho nhiều đàm, mạch hồng sác.

- ĐÀM HY BẠCH 痰稀白

Đàm khạc ra trắng loãng mà trong, thường gặp trong các bệnh ngoại cảm phong hàn, Phế khí không tuyên, cũng có thể thấy ở người Tỳ Thận dương hư.

- ĐÀM LỊCH 痰疬

❶ Một loại loa lịch. Lúc mới phát to như hạt mơ hạt mận, có thể đi khắp châu thân, lâu thì đỏ dần, sau đó vỡ miệng, mau lành. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ không kiện vận, đàm tụ lại mà thành.

❷ Chứng loa lịch mọc ở trước cổ gáy, nơi có kinh Túc dương minh Vị đi qua.

- ĐÀM MÊ TÂM KHIẾU 痰迷心窍

Trạng thái đàm trọc vít lấp tâm thần làm cho ý thức bị trở ngại. Triệu chứng: thần thức mơ hồ, trong họng có tiếng đàm, tức ngực, nặng thì bất tỉnh hôn mê, rêu trắng dày, mạch hoạt.

- ĐÀM NIÊM ĐIỀU 痰粘稠

Hiện tượng đàm dính đặc, thường do phong nhiệt phạm Phế gây ra. Phần nhiều gặp ở chứng ngoại cảm phong nhiệt.

- ĐÀM NGƯỢC 痰疟

Chứng sốt rét kèm có uất đàm. Thường thấy nóng lạnh thay nhau, hết nóng tới lạnh, hết lạnh tới nóng, nhiệt nhiều nóng ít, đau đầu, chóng mặt, nôn ói ra đàm dãi, mạch huyền hoạt. Nặng thì hôn mê co giật.

- ĐÀM NHIỆT TRỞ PHẾ 痰热阻肺

Hiện tượng đàm nhiệt bị bế tắc ở Phế gây ra ho, suyễn. Thường thấy phát sốt, ho, khò khè, tức ngực, đàm vàng đặc hoặc trong đàm có lẫn máu. Nặng thì tức ngực, hô hấp khó khăn, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác.

- ĐÀM QUYẾT 痰厥

Một trong các chứng quyết. Do đàm thịnh khí bế gây ra chứng tay chân lạnh quíu, nặng thì hôn mê.

- ĐÀM QUYẾT ĐẦU THỐNG 痰厥头痛

Đau đầu do đàm trọc nghịch lên trên gây ra. Thường thấy đau đầu như búa bổ, choáng váng, xây xẩm, người nặng, tâm thần không yên, lời nói điên đảo, tức ngực lợm giọng, phiền loạn, hơi thở gấp, khạc nhổ ra đàm dãi hoặc nước trong, tay chân lạnh quíu, mạch huyền hoạt.

- ĐÀM SUYỄN痰喘

Hen suyễn do đàm trọc, gây ủng tắc ở Phế. Nguyên nhân do đàm thấp uất ở Phế, trở tắc khí đạo gây ra. Thường thấy suyễn thở, ho khạc ra đàm đặc, trong lồng ngực có cảm giác đầy tức.

- ĐÀM TẢ 痰泻

Chứng tiêu chảy do đàm tích ở Phế làm cho chức năng của Trường Vị bị rối loạn. Thường thấy lúc có lúc không, khi nhiều khi ít, hoặc đi tiêu ra trắng như tròng trắng trứng, chóng mặt, lợm giọng, ngực bụng trướng đầy, mạch huyền hoạt.

- ĐÀM TÍCH 痰癖

Đau vùng hông sườn, do thủy ẩm tích trệ lâu ngày hóa thành đàm, đọng lại ở vùng gian sườn gây ra đau.

- ĐÀM TÍCH 痰积

Do đàm nhiều, đặc dính, ho khạc khó ra, chóng mặt, hoa mắt, ngực đau râm ran, mạch huyền hoạt. Nguyên nhân do đàm trọc tích trệ ở ngực sườn gây ra.

- ĐÀM TÍCH ẨU THỔ 痰积呕吐

Tức chứng Đàm ẩu.

- ĐÀM TÍCH TIẾT TẢ 痰积泄泻

Tức chứng Đàm tả.

- ĐÀM THẤP 痰湿

Đàm phát sinh do Tỳ không vận hóa, thấp tà trệ lại lâu ngày gây ra bệnh. Triệu chứng: đàm nhiều, trắng loãng, tức ngực, lợm giọng buồn nôn, suyễn, ho, ăn uống giảm sút, lưỡi bệu, rêu dày trơn…

- ĐÀM THẤP BẤT DỰNG 痰湿不孕

Người phụ nữ có thể chất mập bệu, thích ăn các thức ăn béo bổ, làm cho đàm thấp sinh ra từ bên trong, gây ảnh hưởng đến mạch Xung, Nhâm, và Nữ tử bào, vì vậy khó thụ thai, phần nhiều kèm có bạch đới hoặc kinh nguyệt không đều.

- ĐÀM THẤP ĐẦU THỐNG 痰湿头痛

Đau đầu do đàm thấp nhiễu lên trên thanh khiếu. Thường thấy đầu nặng đau như có gì bó lại, kèm theo ngực bụng đầy tức, lợm giọng, đàm nhiều, rêu lưỡi trắng dày, mạch hoạt.

- ĐÀM THẤP NỘI TRỞ 痰湿内阻

Do Tỳ hư, chức năng vận hóa thủy thấp bị rối loạn, thấp tà không hóa được biến thành đàm, đàm thấp ảnh hướng đến Phế Vị, thậm chí đến mạch Xung, mạch Nhâm. Thường phát sinh các chứng ho khạc nhiều đàm, lợm giọng buồn nôn, không mang thai, hoặc bạch đới nhiều, kinh nguyệt không đều.

- ĐÀM THẤP TRỞ PHẾ 痰湿阻肺

Đàm thấp gây trở tắc ở Phế, làm cho Phế khí không tuyên giáng. Chứng thấy ho, đàm nhiều, trắng loãng, dễ khạc, ngực sườn đầy tức, hoạt động thì ho nhiều, khí suyễn, rêu lưỡi trắng dày hoặc trắng trơn, mạch nhu hoãn.

- ĐÀM TRỆ ÁC TRỞ 痰滞恶阻

Một trong những chứng ác trở. Thường thấy lợm giọng, mửa ra đàm dãi, ngực đầy không muốn ăn. Nguyên nhân do người vốn có Tỳ Vị suy yếu, chức năng kiện vận bị rối loạn, thấp tụ lại thành đàm, hoặc sau khi sanh kinh huyết bị bế tắc, khí ở Xung, Nhâm xông bốc lên trên. Đàm ẩm theo khí nghịch, đọng lại ở bên trên.

- ĐÀM TRỌC NỘI BẾ 痰浊内闭

Gọi tắt là Đàm bế. ❶ Chứng bế do đàm thấp gây ra. ❷ Các biến chứng của chứng điên giản, điên cuồng do đờm mê tâm khiếu. Hoặc đờm hỏa nhiễu Tâm.

- ĐÀM TRỞ PHẾ LẠC 痰阻肺络

Phế bị tà khí xâm nhập, chức năng điều tiết thủy dịch của Phế bị rối loạn, dẫn đến tân dịch ngưng tụ thành đàm, ứ trở ở Phế gây ra bệnh. Trên lâm sàng thường phân ra 2 loại là: Đàm nhiệt trở Phế và Đàm thấp trở Phế.

- ĐÀM TRUNG 痰中

Do thấp khí nhiều quá sinh ra đàm, đàm sinh nhiệt, nhiệt sinh phong mà gây ra chứng loại trúng phong. Triệu chứng: đột nhiên té ngã, hôn mê bất tỉnh nhân sự, lưỡi cứng, trong họng có tiếng đàm, tay chân không giở lên nổi, mạch hồng hoạt.

- ĐÀM ỦNG DI TINH 痰壅遗精

Chứng Di tinh do suy nghĩ lo lắng quá độ làm cho khí kết hóa đàm, đàm nhiễu tinh thất mà phát sinh bệnh.

- ĐẠM THẤM LỢI THẤP 淡渗利湿

Cách dùng thuốc có vị nhạt (Có tác dụng lợi thấp là chủ yếu), khiến cho thấp theo đường tiểu bài tiết ra ngoài. Thích hợp chữa các chứng thiên về thấp tà. Thường thấy tiêu chảy lỏng loãng, tiểu tiện không lợi, rêu lưỡi trắng, mạch nhu.

- ĐẠM VỊ THẤM TIẾT VI DƯƠNG 淡味渗泄为阳

Thẩm tiết: Bài tiết. Thẩm: Lợi thủy thấp. Tức là dùng thuốc có vị nhạt (đạm) có khả năng đưa thủy thấp thấm xuống dưới để bài tiết ra ngoài, loại dược tính này thuộc dương, như vị Ý dĩ. (Vị nhạt có thể lợi tiểu mà khử thấp, vì vậy xếp thuộc dương).

- ĐAN 丹

Còn gọi là Đơn. Có hai loại: Uống trong và dùng ngoài.

1) Loại dùng ngoài: gồm các chất khoáng, qua bào chế thăng hoa tạo thành dạng bột rất mịn, như các loại Bạch giáng đan, Hồng thăng đan…

2) Loại uống trong: Có dạng bột như Tử tuyết đan; Có dạng viên như Chí bảo đan; Ngũ lạp hồi xuân đan; Có dạng thỏi (viên đạn) như Tịch ôn đan; Có loại có thể dùng cho cả uống trong và dùng ngoài, như Ngọc khu đan (còn gọi là Tử kim đĩnh) được làm cả dạng viên và dạng thỏi.

- ĐAN ĐIỀN 丹田

➊ Vùng dưới rốn 3 thốn, vị trí huyệt Quan nguyên của mạch Nhâm, nơi tinh thất của nam giới và bào cung của nữ giới. ➋ Ý thủ đan điền: Trong phương pháp luyện tập khí công, chia làm ba bộ vị: Dưới rốn là Hạ đan điền, giữa mỏ ác là Trung đan điền, giữa hai lông mày là Thượng đan điền.

- ĐAN ĐỘC 丹毒

➊ Chứng nhiệt độc cấp tính ở bì phu (vì bì phu nơi bị bệnh đỏ như son, cho nên gọi là đan độc). Bệnh thường phát ở bắp chân và vùng mặt, nơi mắc bệnh có từng mảng sưng đỏ, gồ cao hơn mặt da bình thường, có bờ rõ, bề mặt trơn bóng loáng, sờ thấy rắn chắc, gần nơi đau bị nổi hạch, kèm theo rét run, sốt cao, nhức đầu, đau khớp… Nguyên nhân do phần huyết có nhiệt phát ra ở bì phu, hoặc do niêm mạc ở bì phu bị xây xước, nhiễm phải dịch độc mà thành bệnh. Cũng gọi là Lưu hỏa, Hỏa đan.     ➋ Chỉ bì phu nổi từng mảng lớn, màu đỏ, hơi sưng, như loại Xích du đan.

- ĐAN KHÊ TÂM PHÁP 丹溪心法

Chu Chấn Hanh Đời Kim, Nguyên biên soạn. Sách thuốc gồm 5 quyển (có 1 bản chỉ có 3 quyển). Được các học trò của ông chỉnh lý và in thành sách. Lần in thứ 1 vào đời Minh,  các y gia bổ sung thêm phần nội dung, về sau Trình Sung đã cắt bỏ và hiệu chính cho hoàn chỉnh và in thành sách vào năm 1481. Đây cũng chính là bản đang được lưu hành cho tới ngày nay. Quyển đầu tiên có 6 thiên y luận. Cuốn sách gồm 100 thiên trong đó lấy nội khoa tạp bệnh làm chủ. Mỗi một bệnh chứng đều trích dẫn nguyên văn lời của Chu tiên sinh, kế đó là các ghi chép của học trò ông tên là Đới Nguyên Lễ ghi rõ về biện luận của từng chứng, đồng thời giới thiệu cách điều trị và phương thuốc điều trị. Trong đó có phần phụ lục ghi phần giải thích bệnh danh, nguyên nhân, triệu chứng và phép trị đều có phân tích các điểm chính. Sách nêu rõ học thuyết của ông “Dương thường hữu dư, Âm thường bất túc”. Dựa vào học thuyết này, về mặt trị liệu, đối với các bệnh thuộc về khí, huyết, đàm, uất, ông đều có các kiến giải và kinh nghiệm phong phú.

- ĐAN SA 丹痧

Tức Dịch hầu sa.

- ĐAN TIÊU 丹熛

Tức Đan độc.

- ĐÀN CHÂM 弹针

Thủ pháp kích thích châm cứu. Sau khi châm xong dùng tay gõ nhẹ vào cán kim, làm cho thân kim khẽ lay động.

- ĐÀN THẠCH MẠCH 弹石脉

Chỉ mạch đi trầm mà cứng thực, có cảm giác như dùng tay đè lên đá.

- ĐẢN DỤC MỊ 但欲寐

Một trong những chứng trạng chủ yếu của kinh Thiếu âm. Triệu chứng: thần chí lơ mơ tựa như là ngủ mà không phải ngủ. Nguyên nhân  do tà nhập vào kinh Thiếu âm, Tâm Thận dương suy kiệt mà phát bệnh.

- ĐẢN MỤC 疸目

Tức chứng Tiêu sang.

- ĐẢN TRUNG 膻中

Còn gọi là Chiên trung. ➊ Điểm giữa hai vú (giữa ngực). ➋ Tên huyệt ở giữa ngực (thuộc Nhâm mạch).

- ĐẢN ĐẠI VÔ VỊ 但代无胃

Mạch không vị khí.

- ĐẢN HUYỀN VÔ VỊ 但弦无胃

Mạch không vị khí.

- ĐAO KHUÊ 刀圭

➊ Dụng cụ đong thuốc cổ đại, hình lưỡi dao cong cong, một đầu nhọn, giữa hơi lõm. ➋ Một loại tên riêng đối với y thuật cổ đại.

- ĐAO PHỦ THƯƠNG 刀斧伤

Tức kim sang. Các vết thương do dao búa gây ra.

- ĐAO VẬNG 刀晕

Chứng choáng váng. Do bị gươm giáo đâm chém ra nhiều máu, đau nhức hoặc tinh thần bị căng thẳng gây nên tình trạng choáng váng ngã quay, tứ chi giá lạnh (vậng quyết).

- ĐÀO HOA TIỂN 桃花癣

Tức chứng Xuy hoa tiển.

- ĐẢO CHÂM 捯针

Sau khi châm kim qua da, đến độ sâu nhất định, thì bắt đầu dùng thủ thuật vê đảo kim để kích thích.

- ĐẢO KINH 倒经

Hiện tượng hành kinh ra máu mũi. Nghịch kinh.

- ĐẢO TIỆP QUYỀN MAO 倒睫拳毛

Lông quặm. Nguyên nhân do bệnh mắt hột chữa không khỏi gây ra. Triệu chứng:  xuất hiện lông quặm và lông này kích thích kết mạc mắt, gây đau rát, chảy nước mắt, mắt mờ, khó nháy.

- ĐẠO DẪN导引

Phương pháp phòng và chữa bệnh ngày xưa. Tức là sự kết hợp giữa vận động cơ thể, điều chỉnh hô hấp và tự thân mình xoa bóp để  hành khí hoạt huyết, dưỡng cân tráng cốt, làm giảm bớt sự mệt mỏi, khu trừ bệnh tật, duy trì tuổi thọ.

 

 

- ĐẠO DƯỢC  导药

Dùng các loại dược vật có tính chất dễ hòa tan, trơn nhuận, chế thành đỉnh nhét vào hậu môn, thuốc tan ra làm cho phân khô cứng dễ bài xuất ra ngoài. Cổ nhân có phương pháp dùng Mật ong (Mật tiễn đạo pháp) và Mật heo để thông đại tiện (Trư đởm trấp đạo pháp). Hiện nay người ta dùng xà bông gọt thành thỏi, nhét  vào hậu môn để làm thông đại tiện.

- ĐẠO HÃN 盗汗

Chứng ra mồ hôi trộm ban đêm khi đi ngủ, tỉnh dậy thì ngưng mồ hôi. Nguyên nhân do hư lao hoặc do âm hư nội nhiệt, thúc đẩy mồ hôi bài tiết ra ngoài.

- ĐẠO KHÍ 导气

Thủ pháp vê kim sau khi châm để đạt yêu cầu đắc khí. Cảm giác đắc khí có hay không đều tùy thuộc vào các thao tác vê kim của người thầy.

- ĐẠO PHÁP 导法

Phương pháp thông đại tiện. Bơm thuốc nước vào ruột qua hậu môn hoặc dùng vật chất trơn nhuận tạo thành viên đạn đưa vào hậu môn, mục đích làm thông đại tiện.

- ĐẠO TIỆN 导便

Tức Đạo pháp.

- ĐẠO TRỆ THÔNG PHỦ 导滞通腑

Mục tiêu của phép tả hạ nhằm khai thông sự tích trệ ở các phủ trong cơ thể.

- ĐẠT TÀ  达邪

Còn gọi là Thấu tà.

- ĐẮC THẦN 得神

Có thần khí (Thần: Tình trạng hoạt động của sinh mạng). Xem xét sự tồn vong của thần có thể phán đoán sự thịnh suy của khí huyết, sự nặng nhẹ của bệnh tật và tiên đoán bệnh lành hay dữ. Thí dụ: Tinh thần đầy đủ, ánh mắt linh lợi, tiếng nói sang sảng, sắc mặt tươi nhuận, hơi thở nhịp nhàng là đắc thần. Đắc thần tuy có mắc bệnh cũng dễ điều trị, tiên lượng tốt, cho nên “đắc thần thì tốt” (đắc thần giả xương). Vì vậy, đắc thần không chỉ mang ý nghĩa giới hạn là tinh thần, mà còn có ý nghĩa lớn rộng hơn.

- ĐĂNG ĐẬU SANG 登痘疮

Tức Thiên hoa.

- ĐẦU CƯỜNG 头强

Chỉ chứng đầu gáy cứng không xoay trở linh hoạt. Nguyên nhân do huyết không dưỡng cân, phong tà xâm nhập vào kinh lạc, hoặc Can phong nội động gây ra. Chứng này thường thấy trong các bệnh Kính, Kinh quyết, Lạc chẩm thống…

- ĐẦU CHÂM LIỆU PHÁP 头针疗法

Phương pháp dựa vào lớp bì phu (da đầu) tương đương với vỏ não, vạch ra từng vùng để châm thích chữa bệnh. Cách chung: chia ra mười vùng kích thích như vùng kích thích vận động, vùng kích thích cảm giác… Thường áp dụng chữa một số bệnh thuộc hệ thần kinh.

- ĐẦU CHÂU ĐINH 头珠疔

Nhọt đầu đinh mọc trong niêm mạc mũi, màu đỏ.

- ĐẦU GIÁC  头角

Tức Ngạch giác.

- ĐẦU DAO 头摇

Đầu lắc lư. Phân ra làm 2 loại. Thực chứng và Hư chứng. Thực chứng phần nhiều do phong hỏa uất ở trong gây ra, hoặc do Dương minh phủ thực dẫn động Can phong gây ra. Hư chứng do tuổi già Can Thận bất túc hoặc sau khi ốm dậy cơ thể suy nhược, hư phong nội động gây ra.

- ĐẦU HÃN 头寒

Tên bệnh. Có triệu chứng đặc trưng là ra nhiều mồ hôi ở vùng đầu mặt. Nguyên nhân phần nhiều là do thủy khuy, hỏa vượng, hoặc Vị nhiệt xông bốc lên gây ra bệnh.

- ĐẦU HẠNG CƯỜNG THOÁNG 头项强痛

Đầu và cổ gáy đau nhức, kèm theo là vùng cơ sau cổ cứng không xoay trở được. Nguyên nhân do cảm khí lục dâm, bức trở kinh mạch gây nên bệnh.

- ĐẦU HUYỄN  头眩

Tức chứng Huyễn vựng.

- ĐẦU KÊ NHÃN 头鸡眼

Còn gọi là Lác trong, Loạn thị. Xem chi tiết mục Thông tình.

- ĐẦU NHIỆT 头热

Vùng đầu tự có cảm giác nóng. Nguyên nhân do âm hư hỏa thăng hoặc Can phong, Can dương thượng nhiễu gây nên.

- ĐẦU NHUYỄN  头软

Cổ gáy mềm yếu không đủ sức nâng đầu dậy. Đây là một loại bệnh do phát dục chậm hoặc bị trở ngại, bệnh thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân do dương khí bất túc, hoặc dinh dưỡng không tốt, Tỳ khí không thăng lên mà sinh bệnh.

- ĐẦU PHONG 头风

➊ Đau đầu kéo dài không khỏi, lúc phát lúc không. Nguyên nhân do phong hàn, phong nhiệt hoặc đàm ứ uất kết ở kinh lạc vùng đầu gây ra. ➋ Chứng đau đầu do cảm phong tà, như đau đầu, chóng mặt, miệng mắt méo xếch, đầu ngứa gãi tróc nhiều vảy.

 

- ĐẦU PHONG BẠCH TIẾT 头风白屑

Còn gọi là Bạch tiết phong. Chứng thấy trên da đầu có từng mảng vẩy màu trắng khô, khi gãi thì da tróc ra rụng xuống, sau khi rụng lại mọc lớp mới, gây ngứa ngáy khó chịu. Nếu để lâu ngày chữa không khỏi thì dễ làm cho rụng tóc. Nguyên nhân là do phong nhiệt xâm nhập vào da, ngấm vào lỗ chân tóc, uất lâu thành huyết táo, da đầu không được nuôi dưỡng mà phát bệnh.

- ĐẦU THIÊN THỐNG 头偏痛

Tức chứng Thiên đầu thống hay Thiên đầu phong. Đau nửa bên đầu.

- ĐẦU THỐNG 头痛

Đau đầu (bao gồm đau cả đầu hay đau cục bộ), một chứng trạng thường gặp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do lục dâm hoặc tạng phủ bị tổn thương đều có thể gây đau đầu.

- ĐẦU THỐNG NHƯ PHÁCH 头痛如劈

Đau đầu dữ dội như bị búa bổ. Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập vào các kinh lạc ở vùng đầu, hoặc do đàm đình trệ, phong hóa hỏa, gây ứ trệ ở kinh lạc, khí huyết bị nghẽn tắc không lưu thông gây ra. Cũng có khi thấy đau đầu dữ dội, đau chịu không nổi, kèm theo là tay chân quyết lạnh lên tới khớp khuỷu hoặc khớp gối. Đây là chứng bệnh nghiêm trọng do bệnh tà nhập não.

- ĐẦU TRỌNG 头重

Chứng nặng đầu. Chứng trạng vùng đầu có cảm giác nặng trĩu như bị bó chặt. Nguyên nhân do cảm thấp tà hoặc thấp đàm ở trong cơ thể gây  bế tắc.

- ĐẦU TRƯỚNG 头胀

Vùng đầu tự có cảm giác nặng trướng không khoan khoái. Nguyên nhân do cảm nhiễm thấp tà ở bên ngoài hoặc Can hỏa thượng nghịch, thấp nhiệt ngăn trở ở bên trong gây ra.

- ĐẦU VỰNG 头晕

Tức chứng Huyễn vựng.

- ĐẬU PHONG NHÃN 痘风眼

Đậu sang độc tà chưa hết, lại cảm nhiễm phong tà, thấy triệu chứng mắt ngứa, mí mắt sưng đỏ, lở loét.

- ĐẬU SANG 痘疮

Tức Thiên hoa.

- ĐỀ BÀO 提泡

Tức Phát bào.

- ĐỀ PHÁP 提法

Thủ pháp chỉnh nắn xương trong ngoại khoa. Đưa phần xương bị lệch, gãy trở về đúng vị trí của nó. Sau đó dùng băng hoặc nẹp băng cố định phần gãy hoặc lệch.

- ĐỀ THÁP BỔ TẢ 提插补泻

Một thủ pháp châm. Thực hiện thủ pháp này thì khi dự định châm huyệt nào, chia độ sâu làm ba đoạn bằng nhau là mức độ nông, vừa và sâu. Bổ pháp là châm theo thứ tự nông, vừa, sâu, nhưng khi rút châm, chỉ rút một lần qua cả ba đoạn không ngừng theo thứ tự. Ngược lại, tả pháp thì châm một lần đạt mức sâu cả ba đoạn, nhưng khi rút kim thì theo từng đoạn sâu, vừa, nông, cuối cùng rút hẳn kim ra ngoài.

- ĐỊCH ĐÀM 涤痰

Phương pháp dùng các vị thuốc có tác dụng khu đàm mạnh để trục bỏ đàm. Thích hợp với các chứng đàm đọng lâu chữa không khỏi. Tác dụng của thuốc này rất mạnh, vì thế người suy nhược cần thận trọng khi dùng. Phụ nữ có thai không nên dùng.

- ĐIỂM  NHÃN 点眼

Phương pháp tra thuốc vào mắt. Dùng các dược vật có tính mát, không gây kích ứng, nghiền thành bột thật mịn, lấy lưỡi chấm (nếm) tí bột thấy như hòa tan không có tí bã nào, loại bột này có thể bôi vào mắt, vừa mát vừa sạch không bị kích thích gây khó chịu cho mắt. Thuốc tra mắt gọi chung là thuốc đau mắt, bài thuốc chế biến khá nhiều, dùng để tiêu viêm, giảm sưng, khỏi kéo màng trong nhãn khoa. Phương pháp điểm nhãn còn có thể chữa những bệnh khác không riêng gì nhãn khoa.

- ĐIỂM THÍCH 点刺

Thủ pháp châm làm cho ra máu, phép châm nhanh. Dùng ngón cái và ngón trỏ của tay trái nhíu chặt vùng da định châm, tay phải cầm kim, ngón cái và ngón trỏ cầm chuôi kim, ngón tay giữa giới hạn để chừa đầu kim ra khoảng một phân, châm thẳng nhanh vào huyệt dưới lớp da và rút kim ra ngay, sau đó nặn lấy vài giọt máu. Kim thường dùng là kim Tam lăng hoặc hào châm ngắn. Dùng để châm ở các đầu ngón tay, đầu ngón chân, chóp tai, huyệt Thái dương, huyệt Ủy trung, hoặc ở những nơi có ứ huyết.

- ĐIÊN 巅

Còn gọi là Điên đỉnh. Vùng đỉnh đầu.

- ĐIÊN 癫

❶ Bệnh thần kinh. Thường thấy tinh thần uất ức, ảo tưởng, ảo giác, lời nói bậy bạ, không thiết ăn uống, rêu lưỡi mỏng, nhớt, mạch huyền hoạt… Nguyên nhân do đàm khí uất kết gây ra. ❷ Từ cổ đại gọi “Điên” tức là bệnh điên.

- ĐIÊN CẨU GIẢO THƯƠNG 癫狗咬伤

Tức Phong khuyển giảo thương.

- ĐIÊN CUỒNG癫狂

Một loại bệnh thần kinh. Điên thuộc về hư chứng, thuộc âm, người bệnh thường thích yên tĩnh; Cuồng thuộc thực chứng, thuộc dương, người bệnh thường hay náo động.

 

- ĐIÊN GIẢN 癫痫

Tức chứng Giản.

- ĐIÊN GIẢN PHÁT TÁC 癫痫发作

Chứng Giản đột nhiên phát tác, xuất hiện các loại chứng trạng. Tham khảo chứng Giản.

- ĐIÊN HUYỄN 巅眩

Tức Huyễn vựng.

- ĐIÊN TẬT 巅疾

➊ Chỉ bệnh Điên giản (động kinh) ở trẻ em. ➋ Bệnh tật ở vùng đầu, thường chỉ nhiều loại đau đầu như Đầu phong, Đầu thống, Đầu hôn, Đầu huyền, Đầu sang… đều là bệnh ở đỉnh đầu. ➌ Bệnh Cuồng.

- ĐIỆN CHÂM 电针

Phương pháp sau khi châm cứu xong, cho dòng điện vào kích thích ở mức độ vừa phải, để đạt mục đích điều trị.

- ĐIỆN CHÂM LIỆU PHÁP 电针疗法

Phương pháp dùng dòng điện kích thích tại vùng huyệt sau khi châm cứu xong, tùy theo mức độ bệnh tật mà thầy thuốc điều chỉnh tần số hoặc cường độ dòng điện cho phù hợp.

- ĐIỆT THỰC 蛭食

Hiện tượng bị con đỉa đeo hút máu.

- ĐIẾU CƯỚC SA 吊脚痧

Phần nhiều hay gặp sau các bệnh hoắc loạn thổ tả. Phát sinh ra các chứng do mất quá nhiều tân dịch, khí và âm đều hư, cân mạch không được nuôi dưỡng. Triệu chứng: hai đùi co rút, nặng thì vùng bụng đau quặn, hòn dái rút, lưỡi thụt.

- ĐIỀU HÒA CAN TỲ 调和肝脾

Phương pháp chữa các chứng Can khí phạm Vị, Can Tỳ bất hòa. Thích hợp với chứng hông sườn trướng gây đau, sôi ruột, tiêu lỏng, ăn uống kém, tính tình hay nổi giận, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền hoạt.

- ĐIỀU HÒA CAN VỊ 调和肝胃

Phương pháp dùng các dược vật có tính sơ thông và điều hòa, để chữa các chứng Can khí phạm Vị, Can Vị bất hòa. Thích hợp chữa các chứng hông sườn trướng đau, vị quản tức trướng gây đau nhức, ăn uống giảm sút, ợ hơi, nuốt chua, nôn ói.

- ĐỀU HÒA DINH (DOANH) VỆ 调和营卫

Phương pháp trị liệu dùng để điều chỉnh chứng dinh vệ bất hòa, giải trừ phong tà.

- ĐIỀU KINH 调经

Từ gọi chung để chữa các bệnh kinh nguyệt bao gồm kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bế kinh, lượng kinh thất thường. Trên lâm sàng thường dựa vào sự thay đổi của hàn nhiệt, khí huyết, hư thực khác nhau mà điều chỉnh. Thường do các bệnh về kinh nguyệt gây ra. Nguyên tắc điều trị thường lấy điều kinh làm chủ; hoặc do các nguyên nhân khác làm rối loạn kinh nguyệt thì nên điều trị nguyên nhân.

- ĐIỀU KHÍ 调气

➊ Phương pháp dùng dược vật để chữa các chứng khí trệ, khí nghịch làm cho khí thông lợi bình hòa trở lại trạng thái bình thường. Thực tế bao gồm cả hành khí, giáng khí trong phép lý khí. ➋ Phương pháp điều tiết bằng phép châm. Ứng dụng phương pháp bổ tả của châm thích có thể điều tiết âm dương, cải thiện cơ năng của con người; cũng tức là thông qua châm để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, điều chỉnh trạng thái bệnh lý của các tổ chức và nội tạng.

- ĐIỀU PHỤC 调服

Phương pháp uống thuốc bột. Trong các bài thuốc có các vị thuốc quý như Tê giác, Linh dương giác, Lộc giác, Ngưu hoàng, Chu sa… nên nghiền bột riêng. Sau khi sắc xong thuốc nước lấy chút ít nước thuốc hòa bột Tê giác vào (hoặc các bột thuốc khác), quấy đều uống hết chỗ nước thuốc đó, sau đó uống nốt chỗ thuốc còn lại.

- ĐIỀU TỄ 条剂

Đem bột thuốc trộn với hồ trét lên vải dán hoặc chỉ dùng bột thuốc trộn với nước thoa hoặc đắp lên miệng vết thương để hút mủ hoặc khử thịt thối, lỗ dò.

- ĐIỆU HUYỄN 掉眩

Chứng váng đầu, hoa mắt, tay chân run động. Nguyên nhân phần nhiều do Can phong nội động gây ra.

- ĐINH ĐỘC 疔毒

Chứng Đinh sang nặng. Xem chi tiết ở mục Đinh sang.

- ĐINH HỀ CAM 疔奚疳

Một loại bệnh cam. Do ăn uống bú mớm quá độ, Tỳ Vị tổn thương, không hấp thụ dinh dưỡng gây nên. Các chứng trạng cổ ngẳng, bụng to, mặt vàng, gầy còm là đặc điểm của bệnh này.

- ĐINH NINH 耵聍

Tức là ráy tai. Do vật phân tiết ở tai ngoài tạo thành. Nếu ráy tai nhiều quá dễ làm suy giảm thính lực. Còn gọi là Nhĩ cấu.

- ĐINH NHĨ 耵耳

Bên trong tai sưng đỏ, nóng rát, màng nhĩ rách chảy nước vàng đặc như mủ. Nguyên nhân do Can Đởm có hỏa uất, Tam tiêu thấp nhiệt hoặc Thận âm khuy tổn, hư hỏa bốc lên trên, đều đưa đến bệnh này. Các chứng trước thuộc thực chứng, chứng sau thuộc hư chứng.

- ĐINH SANG 疔疮

Đinh nhọt có hình dáng nhỏ, rễ cắm sâu. Nguyên nhân do hỏa nhiệt độc tà gây nghẽn tắc bì phu. Triệu chứng: khi mới phát nổi nhọt nhỏ như hạt thóc, rễ cứng (dân gian gọi là ngòi mụn hoặc cùi mụn), cắm sâu trong da, trông giống như cây đinh, màu nhọt đỏ, đau nhức, sưng trướng, hóa mủ, gây lở loét, khi vỡ mủ ngòi ra theo mủ thì hết sưng, đau cũng giảm.

- ĐINH SANG TẨU HOÀNG 疔疮走黄

Mụn nhọt. Triệu chứng: vùng da cục bộ sưng trướng, phát triển mau lẹ, vùng da thường thấy có điểm ứ huyết hoặc da toàn thân phát vàng, xuất hiện thần chí lơ mơ, kèm có nóng lạnh, phiền táo, ngực bụng trướng đầy, tay chân không có sức, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hồng sác. Nguyên nhân do nhiệt độc thịnh và điều trị không khỏi, độc tà ngấm sâu, hãm vào phần huyết gây ra bệnh. Chứng này thường gặp trong bệnh ôn nhiệt thời kỳ cuối.

- ĐÌNH ẨM HIẾP THỐNG 停饮胁痛

Đau tức vùng hông sườn

- ĐÌNH ẨM TÂM QUÝ 停饮心悸

Tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ do thủy ẩm đọng lại ở bên trong cơ thể xông bốc lên tim gây ra. Ngoài các chứng trạng tim đập nhanh, hồi hộp, kèm theo thấy vùng ngực bụng đầy tức, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng buồn nôn, tiểu vàng ngắn, rêu trắng, mạch huyền.

- ĐỈNH 顶

Là từ các thầy thuốc dân gian dùng để chỉ các dược liệu có dược tính chạy lên trên đỉnh đầu. Đỉnh dược phần nhiều có tác dụng gây nôn, thường dùng để chữa phong đàm bốc lên trên, đột nhiên té ngã.

- ĐĨNH 锭

Dạng thuốc đã chế biến. Đem dược liệu tán thành bột mịn, trộn đều với hồ, vê thành từng thỏi nhọn đầu, to nhỏ tùy theo yêu cầu. Dùng uống trong, có thể đập vụn hòa vào nước nóng cho uống. Dùng bên ngoài, có thể mài với giấm, hoặc dầu vừng để bôi vào nơi đau.

- ĐỊNH PHONG 定风

Phương pháp dùng để chữa các chứng do tân huyết khuy tổn hoặc do Can Thận âm hư không nuôi dưỡng được gân mạch hoặc do Can phong nội động.

- ĐOẢN KHÍ 短气

Tình trạng hụt hơi. Thường gặp trong nhiều tật bệnh, có chia ra Hư, Thực khác nhau.

Thực chứng phần lớn do đờm ẩm, do ứ trở, do khí trệ làm ảnh hưởng tới sự thăng giáng của khí cơ gây nên.

Hư chứng phần nhiều do cơ thể suy nhược, bệnh lâu ngày, do nguyên khí quá suy gây nên.

- ĐOẢN MẠCH短脉

Một loại mạch tượng. Mạch đập ngắn, không đạt tới bản vị, đập dưới tay ở quan bộ rất rõ, nhưng ở hai bộ thốn, xích lại có cảm giác như không có. Mạch Đoản chủ về các bệnh thuộc khí. Đoản mà hữu lực là khí uất, khí trệ. Đoản mà vô lực là Phế khí hư, trung khí bất túc.

- ĐOẢN THÍCH 短刺

Một trong mười hai phép châm thích. Dùng trong điều trị chứng cốt tý. Phương pháp châm này vừa tiến kim vừa lay động sâu vào tới xương, đồng thời thao tác thủ pháp đề tháp (rút nửa chừng lại tiến sâu vào).

- ĐOẠN CHỈ 断脂

Hiện tượng ngón tay bị mất (cụt, đứt…) do ngoại thương.

- ĐOẠT HÃN GIẢ VÔ HUYẾT 夺汗者无血

Do huyết và mồ hôi cùng nguồn. Người bệnh khi đã ra mồ hôi nhiều, không được làm cho mất máu nữa.

- ĐOẠT HUYẾT 夺血

Mất huyết dịch. Tình trạng tổn thương huyết, (Đoạt: Bị cướp đoạt). Huyết và mồ hôi là tinh khí cùng một nguồn do thủy cốc hóa sinh, đối với người huyết hư, tân dịch vốn không đủ, nếu dùng thuốc làm cho ra mồ hôi nhiều quá sẽ tổn thương doanh mà động đến huyết. Tình huống này gọi là đoạt huyết.

- ĐOẠT HUYẾT GIẢ VÔ HÃN 夺血者无汗

Phương hướng điều trị, (Đoạt: Mất). Huyết và hãn cùng một nguồn, người bệnh khi đã bị mất máu, không được làm cho ra mồ hôi nữa.

- ĐOẠT TINH 夺精

Tinh khí bị hao tổn nghiêm trọng (Đoạt: Hao tổn). Biểu hiện chủ yếu là tinh thần ủy mị, tai điếc, mắt mờ.

- ĐỐ NHŨ 妒乳

Bầu vú căng sữa gây đau, ấn vào đau hơn, hoặc trên đầu vú mọc những mụn nhỏ, gây đau hoặc ngứa. Nguyên nhân do sau khi sanh chưa cho trẻ bú hoặc do sữa quá nhiều trẻ bú không hết, sữa tích lại gây bệnh.

- ĐỐ THƯ 妒疽

Nhọt mọc ở vùng ngực, cổ gáy, phần cơ ở xương tỏa cốt, huyệt Khuyết bồn. Nhọt khi mới mọc nhỏ như hạt đậu, dần dần to như hạt mận, màu đỏ sậm, cứng, đau, người phát sốt, co rút không khoan khoái, ăn ít, ngực bụng trướng, tiểu đỏ ngắn. Nguyên nhân do nhiệt tà ở hai kinh Đởm, Vị.

- ĐỐ TINH SANG 妒精疮

Tức chứng Hạ cam.

- ĐỘC DƯỢC CÔNG TÀ 毒药攻邪

Phương pháp sử dụng các loại thuốc có độc tố để khu trừ bệnh tà nhằm đạt được mục đích chữa bệnh.

- ĐỘC DƯƠNG 独阳

Chỉ Dương khí quá thịnh.

- ĐỘC KHÍ 毒气

Xem chữ Lệ, Lệ khí.

- ĐỘC LỴ 毒痢

Chứng kiết lỵ do nhiệt độc gây ra. Thường thấy kiết lỵ ra ngũ sắc, mủ máu mà không có chất phân, tâm phiền, bụng đau như thắt.

- ĐỘC NGỮ 独语

Người bệnh trong tình trạng tỉnh táo nhưng miệng cứ lảm nhảm một mình. Đây là chứng hư, phần nhiều do Tâm khí bất túc, thần chí không được nuôi dưỡng mà phát bệnh.

- ĐỐI KHẦU KHAÅU SANG 对口疮

Sau khi sinh phía dưới xương chẩm, phía trên huyệt Đại chùy nổi nhọt. Nguyên nhân do thấp nhiệt độc ủng kết hoặc do Thận thủy khuy tổn, âm hư hỏa thịnh. Còn gọi là Não thư.

- ĐỐI TỀ PHÁT 对脐发

Tức Phát bối.

- ĐỒI SÁN 颓疝

➊ Hòn dái sưng to, do hàn thấp gây ra. ➋ Vùng bụng dưới của người phụ nữ sưng. w Sa âm hộ ở phụ nữ.

- ĐỒN 臀

Vùng mông, phía dưới thắt lưng, hai bên xương khu (hông), tương đương vùng cơ mông lớn.

- ĐỒN CỐT THƯƠNG 臀骨伤

Cổ xương đùi bị gãy, thường do bị té, bị đánh. Vùng cục bộ có hiện tượng sưng đau, sự vận động bị hạn chế. Khám có thể sờ thấy đoạn xương gãy, biến dạng rõ rệt.

- ĐỒN KHÁI 顿咳

Tức Bách nhật khái, ho gà.

- ĐỒN PHỤC 顿服

Chỉ cách uống thuốc, tức thuốc thang sau khi sắc uống hết một lần. Thường dùng để chữa các bệnh ở vùng hạ bộ.

- ĐỒN UNG 臀痈

Nhọt mọc ở mông. Do Bàng quang thấp nhiệt ngưng kết lại mà thành. Nhọt có hình dáng lớn như cái chén, nổi cao. Do thịt ở vùng mông nhiều, cho nên sưng, lở, gom miệng đều phát chậm.

- ĐÔNG ÔN 冬温

Bệnh nhiệt phát sinh do cảm nhiễm khí hậu trái mùa trong mùa đông (mùa đông đang rét mà lại nóng).

- ĐÔNG THẠCH 冬石

Sự biến hóa bình thường của mạch tượng trong mùa đông (Thạch: Nặng nề). Mùa đông lạnh, dương khí ẩn náu, da dẻ bó chặt, cho nên mạch đi cũng có vẻ khó khăn nặng nề, phải ấn nặng tay mới thấy, mạch đập tương đối có lực. Thường là mạch trầm khẩn.

- ĐÔNG ỨNG TRUNG QUYỀN 冬应中权

Mạch tượng mùa đông giống như cái cân trút xuống (Quyền: Dụng cụ đo trọng lượng ngày xưa), tương đương với loại mạch trầm phục.

- ĐỐNG PHONG 冻风

Tức Đống sang.

- ĐỐNG SẢN 冻产

Chỉ trong khi sanh bị nhiễm lạnh.

- ĐỐNG SANG 冻疮

Do bị nhiễm gió lạnh làm tổn thương bì nhục, khí huyết ngưng trệ mà gây bệnh. Phần nhiều thường phát ở tay chân, lỗ tai. Chỗ bệnh trước tiên thấy trắng xanh, dần dần chuyển sang tím đỏ, sưng trướng, tự có cảm giác đau rát, ngứa ngáy.

- ĐỒNG BỆNH DỊ TRỊ 同病易治

Phương hướng điều trị. Cùng bệnh mà cách chữa khác nhau. Ở một số tình huống, cùng bệnh, cùng triệu chứng thì cùng một phép chữa. Nhưng cũng có tật bệnh cùng một loại, vì sự phản ứng của thân thể người bệnh khác nhau mà có cách chữa khác. Thí dụ: Cùng một bệnh cảm mạo (đồng bệnh) nhưng có phong hàn cảm mạo và phong nhiệt cảm mạo khác nhau (chứng khác nhau) nên phép chữa có tân ôn giải biểu và tân lương giải biểu không giống nhau (dị trị).

- ĐỒNG NAM 童男

Bé trai còn nhỏ từ 14 tuổi trở xuống.

- ĐỒNG NỮ 童女

Bé gái còn nhỏ từ 12 tuổi trở xuống.

- ĐỒNG NHÂN 瞳仁

Tức Đồng thần.

- ĐỒNG THẦN 瞳神

Con ngươi mắt (theo giải phẫu học), bao gồm tổ chức thủy tinh thể. Còn gọi là Đồng tử, Thủy luân, Đồng nhân.

- ĐỒNG THẦN CAN KHUYẾT 瞳神干缺

Trạng thái con ngươi mắt mất đi hình tròn đều, mà ven con ngươi hình răng cưa như cánh hoa mai. Đây là hậu quả của loại bệnh nặng ‘Ngưng chi ế’, cuối cùng có thể dẫn đến mù mắt. Nguyên nhân phần nhiều do Can Thận âm hư, hư hỏa thượng viêm.

- ĐỒNG THẦN SÚC TIỂU 瞳神缩小

Con ngươi mắt co hẹp. Con ngươi mất chức năng co giãn, dần dần co hẹp lại. Nguyên nhân do Can Thận lao tổn, hư hỏa bốc lên hoặc Can kinh phong nhiệt xông lên. Trường hợp nặng có thể dẫn đến chứng Đồng thần Can huyết, mất hẳn thị lực.

- ĐỒNG TỬ 瞳子

Tức Đồng thần, con ngươi mắt.

- ĐỒNG TỬ CAO 瞳子高

Chứng con ngươi trông ngược lên, do kinh khí của kinh Thái dương bất túc, quá hơn nữa sẽ sinh chứng loạn thị (đới nhãn) là chứng trạng của thần kinh não bộ.

- ĐỘNG MẠCH 动脉

➊ Một loại mạch tượng. Mạch đến vừa trơn vừa nhanh, ứng lên ngón tay trơn như hạt đậu nhưng bộ vị mạch đập lại khá hẹp, nhịp không đều. Thường gặp trong các trường hợp sợ hãi và đau nhức, đôi khi gặp ở người có thai. ➋ Các kinh mạch toàn thân đập ứng lên ngón tay.

- ĐỚI DƯƠNG 戴阳

Do Thận dương hư suy, âm hàn nội thịnh, chân dương phù việt gây ra. Triệu chứng: gò má đỏ như thoa phấn, miệng mũi chảy máu hoặc miệng khô, chân răng sưng, chân lạnh, đại tiện phân lỏng nhão, mạch phù đại vô lực…

- ĐỚI HẠ 带下

Đới hạ, theo nghĩa rộng, bao gồm hết thảy bệnh phụ khoa. Đới mạch vòng quanh lưng, từ Đới mạch trở xuống gọi là ‘đới hạ’ cho nên đời xưa gọi bệnh phụ khoa là bệnh đới hạ. Đới hạ, theo nghĩa hẹp, chỉ bệnh trong âm đạo phụ nữ tiết chất dịch dính nhớt kéo dài như sợi tơ không dứt, bao gồm nhiều chứng viêm của bộ phận sinh dục (như viêm âm đạo, loét cổ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm xoang chậu). Ngoài ra khi ung thư cổ tử cung hay ung thư tử cung, cũng bài tiết nhiều khí hư mùi rất hôi. Các thầy thuốc xưa nay căn cứ vào màu sắc đới hạ khác nhau, có các tên bệnh như Bạch đới, Xích đới, Xích bạch đới, Hoàng đới, Thanh đới, Hắc đới, Ngũ sắc đới.

- ĐỚI HẠ BỆNH 带下病

Tức Đới hạ.

- ĐỚI HẠ Y 带下医

Thầy thuốc chuyên trị các bệnh phụ khoa. (Đới hạ: Bộ vị đới mạch từ ngang thắt lưng trở xuống. Phụ nữ mắc nhiều loại bệnh đới hạ)

- ĐỚI MẠCH 带脉

Một trong Kỳ kinh bát mạch, bắt đầu từ vùng sườn cụt, ngang ra vòng quanh lưng. Mạch này khi có bệnh, thường là vùng bụng trướng đầy, vùng lưng cảm giác yếu, chi dưới mềm yếu không đi lại, dễ sợ lạnh, kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ.

- ĐỚI NHÃN 戴眼

Chỉ hiện tượng mắt nhìn ngược lên, không chuyển động được. Đây là chứng trạng nguy hiểm, nguyên nhân do kinh khí ở Thái dương bị suy kiệt. Cũng thường gặp ở trẻ bị chứng cấp kinh phong, hoặc phong đàm gây bế tắc ở kinh Quyết âm.

- ĐỞM 胆

Một trong sáu phủ. Thuộc phủ kỳ hằng. Hỗ trợ Can. Đởm có chức năng tàng trữ và tiết ra dịch mật giúp cho sự tiêu hóa. Ngoài ra Đông y cho rằng Đởm có quan hệ với một số chức năng hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương.

- ĐỞM BỆNH 胆病

Chỉ các bệnh lý của Đởm nói chung. Nguyên nhân do Đởm có nhiệt hoặc Đởm hỏa quá thịnh, hoặc tình chí không thoải mái gây ra. Thường thấy đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tai ù, ngủ hay mộng mị, hoặc do hàn nhiệt vãng lai, miệng đắng, nôn ra nước đắng, vùng hông sườn đau, mắt vàng, hay sợ sệt, bụng trướng, ăn uống không ngon miệng.

- ĐỞM CHỦ QUYẾT ĐOÁN 胆主决断

Các chức năng sinh lý của Đởm có liên quan tới một số công năng hoạt động của trung khu thần kinh. Tính quyết đoán của Đởm giúp phòng ngự và tiêu trừ đối với những ảnh hưởng không tốt do thần kinh bị kích thích. Có tác dụng duy trì sự vận hành bình thường của khí huyết và hỗ trợ các chức năng của tạng phủ trong cơ thể.

- ĐỞM HOÀNG 胆黄

Do hay lo sợ, hay giận hờn nên Đởm khí bị tổn thương làm ảnh hưởng đến chức năng bài tiết dịch mật. Chứng thấy cơ thể và mắt đều vàng, lồng ngực đầy tức, không muốn ăn uống, nặng thì hôn mê.

- ĐỞM HƯ BẤT ĐẮC MIÊN 胆虚不得眠

Chứng mất ngủ do Đởm hư thọ tà, thần khí không yên. Triệu chứng: mất ngủ, người phiền muộn, tim đập nhanh, hồi hộp, hay lo sợ.

- ĐỞM HƯ KHÍ KHIẾP 胆虚气怯

Tức Đởm hư.

- ĐỞM HƯ 胆虚

Còn gọi là Đởm khí bất túc. Có các chứng trạng: Hư phiền không ngủ được, tâm trạng hồi hộp, dễ sợ, hay suy nghĩ hoặc thở dài… (thường gặp ở bệnh Hysteria, thần kinh suy nhược).

- ĐỞM KHÁI 胆咳

Ho mà kèm có nôn mửa ra nước mật, hoặc ra nước vị đắng, màu xanh.

- ĐỞM KHÍ 胆气

Các chức năng của Đởm.

- ĐỞM KHÍ BẤT TÚC 胆气不足

Tức Đởm hư.

- ĐỞM NHIỆT 胆热

Nhiệt chứng ở kinh Đởm. Đởm thuộc kinh mạch Thiếu dương, biểu lý với Can, cho nên chứng nhiệt, chứng thực của Đởm thường liên quan tới Can. Trên lâm sàng có các chứng: Ngực sườn khó chịu, miệng đắng, họng khô, ói ra nước đắng, đầu choáng, mắt hoa, tai ù, hàn nhiệt vãng lai.

- ĐỞM NHIỆT ĐA THỤY 胆热多睡

Chứng bệnh do Đởm có thực nhiệt, hoặc vùng hung cách có đờm, hoặc tạng phủ bị ủng trệ mà phát bệnh. Triệu chứng: tinh thần không sảng khoái, hôn mê bất tỉnh, tâm hung phiền muộn, miệng đắng, đầu nặng, mắt mờ.

- ĐỞM THỰC 胆实

Do Đởm khí không thư sướng, xuất hiện thực chứng như ngực bụng đầy tức, vùng hạ sườn trướng đau, miệng đắng mà khô, đau nhức hai bên thái dương và đuôi con mắt.

- ĐỞM THỰC ĐA NGỌA 胆实多卧

Tức Đởm nhiệt đa thụy.

- ĐỞM TRƯỚNG 胆胀

Do Đởm nhiễm hàn tà gây nên bệnh. Thường thấy vùng hạ sườn trướng đau, miệng đắng, hay thở dài.

- ĐƠN ÁN 单按

Một phương pháp xem mạch. Dùng 1 ngón tay đặt lên một bộ vị chỗ mạch đập.

- ĐƠN ÁN, TỔNG ÁN 单按总按

Phương pháp bắt mạch dùng những ngón tay khác nhau đặt lên mạch để suy tìm mạch tượng. Dùng một ngón tay ấn lên bộ vị một mạch là đơn án, như xem mạch ở thốn bộ, dùng ngón tay trỏ đặt lên mạch, hai ngón giữa và thứ tư chỉ đặt nhẹ nhàng. Dùng ba ngón tay trỏ, giữa và thứ tự đặt đồng thời lên ba bộ mạch thốn, quan, xích gọi là tổng án. Cả hai phương pháp thường được phối hợp vận dụng.

- ĐƠN CỔ单鼓

Bụng sưng to như cái trống, nhưng tay chân không sưng. Xem thêm mục Cổ trướng.

- ĐƠN HÀNH 单行

Chỉ dùng một vị thuốc mà cũng phát huy được tác dụng chữa bệnh như ‘Độc sâm thang’. Chỉ một vị Nhân sâm mà có công hiệu bổ nguyên khí.

- ĐƠN KHOA LỊCH 单窠疬

Chứng tràng nhạc đơn thuần ở cổ gáy.

- ĐƠN NGA 单蛾

Giống như Đơn nhũ nga. Sưng 1 bệnh hạch amiđan. Nguyên nhân do nhiệt ủng thịnh ở Phế Vị, hoặc do hỏa độc hun đốt. Hoặc do khí trệ huyết ngưng, đàm hỏa uất kết; Hoặc Can Thận âm dịch khuy tổn, hư hỏa bốc mà phát bệnh.

- ĐƠN NGƯỢC 瘅疟

❶ Chứng sốt rét chỉ có sốt, không có lạnh. ❷ Chứng sốt rét phát ở ba kinh âm. ❸ Chứng thử ngược.

- ĐƠN NHŨ NGA 单乳蛾

Viêm amiđan. Amiđan sưng nhưng chỉ một bên mà thôi.

- ĐƠN PHÚC CỔ 单腹臌

Tức Cổ trướng.

- ĐƠN PHÚC TRƯỚNG 单腹胀

Chứng bệnh bụng to như cái trống, kèm thấy bụng nổi gân xanh mà tay chân không sưng trướng, nguyên nhân phần nhiều do Can Tỳ bị tổn thương, khí huyết ứ trệ, thủy thấp không kiện vận gây nên.

- ĐƠN PHƯƠNG 单方

Phương thuốc đơn giản, chỉ dùng 1~2 vị, nhưng dược lực chuyên nhất, công hiệu nhanh chóng. Thích hợp với một số bệnh chứng đơn giản.

- ĐƯỜNG HÁO 糖哮

Một trong các chứng háo (hen). Nguyên nhân do ăn quá nhiều đường sinh ra thấp, thấp ủ lại phát sinh ra đàm, đàm khí trở trệ sinh ra chứng háo.

- ĐƯỜNG LANG TỬ 螳螂子

Trẻ sơ sinh mới được vài ngày hoặc một tháng, thấy hai bên cạnh tai sưng trướng, cứng rắn, trở ngại bú sữa, nặng thì khóc không ra tiếng.

- ĐƯỜNG TIẾT 溏泄

Đại tiện nhão. Nguyên nhân do Tỳ hư, cảm phải hàn thấp gây ra.

- ĐƯỜNG TÔN HẢI 唐宗海  (1862 – 1918)

Đường Tôn Hải, tự Dung Xuyên 容川, người Tứ Xuyên, Bành Huyện, thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Thanh. Ông từ nhỏ hiếu học, tri thức uyên bác, kinh sử, thư họa, không thứ nào không tinh thông; hồi là học sinh danh đã vang Ba Thục, có mấy mươi đệ tử. Vì cha ông có nhiều bệnh nên ông cũng học y. Niên hiệu Quang Tự, năm thứ 15 (1889), ông đỗ tiến sĩ. Vì ông kiêm tinh thông y học nên đã từng được triệu chẩn mạch cho Từ Hy thái hậu. Về sau cư ngụ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, đi đến đâu cũng dùng y thuật cứu người. Tuổi già hồi hương, già mất ở nhà. Sự cống hiến của ông cho y học là công trình nghiên cứu của ông về huyết chứng, và sự nỗ lực của ông trong việc phối hợp giữa Trung và Tây y. Thuở nhỏ, cha ông mang bệnh đột nhiên trở nặng, thổ huyết và đại tiện ra huyết. Để trị liệu, ông xem khắp các sách thuốc, gặp quyển nào có luận thuật về huyết chứng, ông nghiên cứu đọc kỹ lưỡng; nghe nói y gia nào nghiên cứu huyết chứng thì ông đến xin học. Y gia Dụng Tây Sơn có viết sách ‘Thất huyết đại pháp’, ‘Đắc huyết chúng bất truyền chi bí’, học trò tranh nhau sao chép để làm của quí. Ông bèn tìm cách nài mua, rất khó khăn mới ‘được xem một lượt’ mà thôi. Xem xong, ông quá thất vọng, nhận thấy sách không nói đầy đủ, dùng lâm sàng cũng không mấy hiệu nghiệm. Vì vậy, ông quyết tâm bắt tay vào việc từ các sách kinh điển y học, tham khảo học thuyết các nhà, tham khảo sâu yếu chỉ trị liệu bệnh huyết. Ông xem lần lượt ‘Nội kinh’, ‘Nạn kinh’, ‘Thương hàn luận’, ‘Kim quỹ yếu lược’, nghiên cứu sách của Lý Đông Viên, Chu Đan Khê, Hoàng Nguyên Ngự, Trần Tu Viên, rốt cuộc tìm được chỗ tâm đắc, lần lượt tổng kết ra một phương pháp điều trị huyết chứng. Lúc ấy, cha ông đã mất vì bệnh mà vợ con ông cũng bị bệnh huyết. Ông bèn dùng kinh nghiệm bản thân tự bào chế phương tễ đem trị; kết quả ‘thuốc đến bệnh lui’, khiến ông hết sức phấn khởi. Từ đây về sau, ông bèn đem số kinh nghiệm này ứng dụng lâm sàng thì ‘mười lần khỏi tám chín’. Để bổ sung chỗ khuyết lậu của nền y học Tổ quốc ở mặt nghiên cứu huyết chứng, giải bày thêm chỗ cổ nhân muốn nói, chỗ còn thiếu sót của tiên hiền, ông đem những ý nghĩa tinh vi của ‘Thất huyết chứng’ tuần tự giải bày, biên soạn thành một bộ ‘Huyết chứng luận’ 8 quyển. Là bộ sách chuyên đầu tiên nghiên cứu thất huyết chứng trong Trung y học sử. Sách lược thuật các biện chứng trị liệu các loại huyết chứng. Tổng kết thành bốn phép trị lớn gồm: Chỉ huyết (cầm máu), Tiêu ứ (trị máu ứ), Ninh huyết, Bổ huyết (bổ máu), toàn sách ‘lý túc phương hiệu’ y lý đầy đủ, phương thuốc hiệu nghiệm), có giá trị thực dụng cao, dẫn dắt được người hậu học. Ông ở vào thời đại y học phương Tây bắt đầu ồ ạt truyền vào Trung quốc, ảnh hưởng lớn đến giới y học. Nhiều tư tưởng và chủ trương xuất hiện, người chuộng mới thiên Tây y, người nệ cũ thiên Đông y, mà ông thì chủ trương chọn con đường giao tiếp nhau giữa Đông Tây. Vì vậy ông là một nhân vật đại biểu của phái hối thông Đông Tây y sớm nhất của Trung quốc. Đồng thời, ông cũng có viết sách ‘Đông Tây hối thông y kinh tinh nghĩa’. Ngoài ra, ông còn có viết các sách: ‘Bản thảo vấn đáp’, ‘Kim quỹ yếu lược thiển chú bổ chính’, ‘Thương hàn luận thiển cbổ chính’, ‘Y học kiến năng’, ‘Y dịch thông huyết’, ‘Lợi giai tam tự quyết’‘Lục kinh phong chúng thông giải’. Số sách này phản ánh chủ trương y học trị liệu của ông là ‘hiếu cổ nhưng không quá tin cổ nhân’, bác học lại giỏi chọn sở trường bỏ sở đoản. Ông mất năm 1918, hưởng thọ 67 tuổi.

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top
0